Hiện nay, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại không được người tiêu dùng nước sở tại biết tới, bởi sản phẩm phải mang thương hiệu của nhà phân phối mà không mang thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng này là nhiều nhà xuất khẩu chưa chú trọng làm thương hiệu. Trong môi trường cạnh tranh mà lợi thế thuộc về các nhà phân phối nước sở tại, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam thường phải sẵn sàng chấp nhận sản phẩm không có thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản ở các vùng miền đều có thể đăng ký bảo hộ chỉ dần địa lý, bảo hộ thương hiệu. Tuy nhiên, trong số này có đến 80% nông sản Việt lại được mang tên của DN nước ngoài. Điều này cần sự quyết liệt hơn của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, ngành hàng cũng như bản thân các doanh nghiệp (DN) trong việc coi trọng xây dựng và bảo hộ thương hiệu sản phẩm.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chỉ rõ, nhìn chung "bức tranh" thương hiệu nông sản dễ thấy gam màu xám chiếm chủ đạo, ít thấy màu sáng. Thậm chí có thể nói, xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản của Việt Nam trong hàng chục năm qua vẫn là những bước chân hùng tráng nhưng “giậm chân tại chỗ”.
“Nông sản Việt có những thời điểm rơi vào tình trạng bị thương gia, DN của nước ngoài giả mạo hoặc đăng ký mất thương hiệu. Thương hiệu nông sản bị mất đi, quá trình đòi lại DN Việt phải trả cái giá quá đắt. Câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre... là những ví dụ điển hình”, ông Thủy chỉ rõ.
Một số chuyên gia nhìn nhận, để có thể bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa cũng như quốc tế, cần sự chung tay mạnh mẽ hơn nữa của cả các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng cũng như cộng đồng DN.
ThS. Vũ Xuân Trường - chuyên gia thương hiệu (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) đánh giá, Việt Nam đặt được nền móng ban đầu cho các thương hiệu nông sản nổi tiếng, tuy nhiên việc dựng xây và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều. Đặc biệt, việc bảo vệ thương hiệu nông sản ở Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập.
Ông Trường phân tích, để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho DN, ở cấp độ vĩ mô Việt Nam đã có Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được ra đời từ năm 2003. Tuy nhiên, đáng chú ý là DN Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ với chương trình này. Một số liệu thống kê cho thấy, có đến 80% DN Việt chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng các sản phẩm nông sản của Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Chính vì thế, các DN cần nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu cho nông sản xuất khẩu; đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thêm giá trị cho hàng nông sản.
"Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu thị trường nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp; xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm nhằm bảo đảm về tính minh bạch của quy trình sản xuất, từ đó tạo tấm “giấy thông hành” cần thiết cho hàng nông sản cũng là yếu tố quan trọng thời gian tới", ông Vũ Xuân Trường nhấn mạnh.
Cho rằng các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam chưa thực sự được chú ý xây dựng thương hiệu “đến đầu đến đũa”, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, một trong những điểm yếu của Việt Nam là có những thương hiệu xây dựng xong nhưng lại không được chú ý bảo vệ đúng đắn.
Do đó, Nhà nước nên nhìn nhận lại, điều chỉnh quy phạm pháp luật hướng tới hình thành một nền sản xuất nông nghiệp lớn. Trong đó, mỗi vùng, mỗi địa phương phân tích trên đặc thù để chọn sản phẩm riêng biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đó.
“Đối với từng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cũng cần chú ý tính đa dạng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trong các dự án lớn của Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, đều phải có một mảng nội dung bên trong gắn với xây dựng thương hiệu nhằm đảo bảo việc xây dựng thương hiệu xuyên suốt, liên tục, lâu dài chứ không mang tư duy “nhiệm kỳ”…”, chuyên gia Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu.
Cùng với đó, tăng cường giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, hỗ trợ kỹ thuật cho DN thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm.../.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ