Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”.
Những quan điểm của Đảng về văn hóa đã đề ra từ 80 năm trước vẫn đúng cho đến tận bây giờ. Ở những văn kiện tại các kỳ Đại hội Đảng sau này, những nguyên tắc đó vẫn in sâu trong các quan điểm, chiến lược phát triển về văn hóa.
Vấn đề ở chỗ trong thời buổi đất nước mở cửa kinh tế, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa, hợp tác, là bạn bè, đối tác với tin cậy với nhiều quốc gia thì văn hóa phải mở cửa thế nào.
Chúng ta xác định, phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa thế giới. Câu chuyện phòng chống dịch vừa qua là một minh chứng hùng hồn nhất cho cách tiếp cận các tinh hoa thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Cụ thể, chúng ta đã giữ gìn và phát huy được truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của con người Việt Nam để cùng nhau vượt qua các đợt bùng phát của dịch bệnh vừa qua. Về tiếp thu tinh hoa thế giới, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều bộ ngành, doanh nghiệp cũng đã tích cực trong chiến lược ngoại giao vaccine để giúp người dân hạn chế tối đa rủi ro trong đại dịch. Cái ta chưa có mà thế giới có lại có lợi cho chúng ta thì phải tiếp thu ngay.
Tôi xin nhắc lại, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất khi chúng ta tiếp cận với những văn hóa mới. Muốn xây dựng được con người có văn hóa, trước tiên phải xây dựng đội ngũ những con người làm văn hóa thật chuẩn mực từ Trung ương đến địa phương.
Văn hóa là nghề nên bắt buộc người làm nghề phải có nghề. Bác Hồ đã nhấn mạnh đến "hồng" và "chuyên" khi nói đến yêu cầu của cán bộ, hồng mà không chuyên thì vô dụng, chuyên mà không hồng thì rất nguy hiểm.
Chúng ta có thể thấy, thời gian qua xã hội xuất hiện nhiều vấn đề nhức nhối như hiếp dâm trẻ em, bạo lực học đường, cán bộ tham nhũng, tham ô…những vấn đề đó sâu xa đều liên quan đến văn hóa, chuẩn mực của con người. Đã từ lâu, chúng ta quên đi việc xây dựng một hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam để đáp ứng với tính hình mới.
Ở thời phong kiến, giá trị của người phụ nữ được gắn bởi "Công - Dung - Ngôn - Hạnh", đàn ông thì "Tam cương, ngũ thường". Vậy ở thời kỳ hiện đại, khi mà đất nước đang hội nhập sâu rộng, hệ giá trị này sẽ như thế nào.
Khi con người không có hệ giá trị riêng để hướng tới sẽ khiến cho xã hội không có những chuẩn mực, dẫn đến những hành vi sai trái. Điều đó càng nguy hiểm hơn với đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp chiến lược, hệ lụy của những việc này rất lớn và lâu dài.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần nhấn mạnh, sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: “Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân”.
Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tôi cho rằng, xây dựng được hệ giá trị này sẽ giúp con người có thang để bấu víu, giúp con người không còn chơi vơi giữa xã hội, hủ hóa với những tiêu cực, tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, ngành Văn hóa cần phân tích, nghiên cứu từ thực tiễn để đề xuất những hệ giá trị phù hợp với tình hình mới.
Tôi xin nhấn mạnh, tinh thần cầu thị chứ không cầu toàn thì việc này mới có thể hoàn thành. Không cá nhân, tổ chức nào có thể đưa ra hệ chuẩn hoàn hảo cả, yêu cầu của cuộc sống và nhân dân sẽ hoàn thiện nó.
Nguyễn Viết Chức (theo diendandoanhnghiep)