Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; các thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án; các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý.
Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học, dân chủ của Ban Chỉ đạo; thống nhất cho rằng, đã có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dự thảo Đề án vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; vừa kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới; vừa xác định những đột phá và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn, có đổi mới và định hướng cho thời gian dài, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, có nhiều đóng góp trong thời gian qua, nhất là tích cực tham gia xây dựng dự thảo Đề án, hoàn thành hai chuyên đề quan trọng do Ban Chỉ đạo phân công. Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng Đề án tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Hội đồng Lý luận Trung ương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án và cho rằng trong thời gian tới, sau khi Đề án được thông qua, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ có nhiệm vụ rất quan trọng là tiếp tục làm sáng tỏ các vấn đề về lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và các thành viên Ban Chỉ đạo, trong đó có nhiều ý kiến của Hội đồng Lý luận Trung ương, qua nhiều lần chỉnh sửa, đến nay, dự thảo Đề án đã có những điều chỉnh rất quan trọng theo hướng nâng tầm khái quát cao hơn, định hướng chiến lược rõ hơn. Bảo đảm những nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, không đi vào những vấn đề quá cụ thể, chi tiết mà mở ra hướng nghiên cứu, hoàn thiện cho các cơ quan khi triển khai thực hiện, nhất là đối với những vấn đề có tính lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về mô hình các thiết chế trong bộ máy nhà nước mà hiện nay vẫn còn các ý kiến khác nhau.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ lịch sử, là trọng trách cao cả nhưng cũng rất nặng nề mà toàn Đảng, toàn dân ta phải cùng nhau nỗ lực thực hiện thắng lợi trong nhiều năm tới.
Theo Hanoimoi.com.vn