Với tỉnh Quảng Ninh, trong làn sóng dịch lần thứ 4, tính từ ngày 28/6 (xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng) đến nay, đã qua hơn 90 ngày không phát hiện ca mắc thứ phát trong cộng đồng. Và trở thành điểm sáng, tiêu biểu trong cả nước về việc giữ vững được địa bàn an toàn, "vùng xanh", tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Vì vậy, mới đây, Quảng Ninh đã quyết định nới lỏng và mở lại có kiểm soát một số dịch vụ, hoạt động nơi công cộng trên địa bàn gắn với thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt là nguyên tắc 5K.
Là địa bàn trọng điểm, trung tâm du lịch của cả nước, trong đó du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Vì vậy, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, chú trọng khôi phục, phát triển ngành du lịch khi điều kiện kiểm soát được dịch bệnh cho phép. Bởi lẽ, từ đầu năm 2020 đến nay, do sự tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch của tỉnh cũng rơi vào khủng hoảng, điêu đứng như tình hình chung của du lịch trong nước và trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp du lịch bên bờ vực phá sản do không có doanh thu, nhân lực ngành du lịch không có việc làm, thu nhập, nhiều phương tiện phục vụ khách phải nằm bờ, đắp chiếu v.v.
Với việc kiểm soát tốt được địa bàn an toàn, là "vùng xanh" của cả nước, hơn bao giờ hết Quảng Ninh đang tranh thủ tận dụng cơ hội vàng này để khôi phục, phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Tỉnh đang tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản phục hồi ngành du lịch có kiểm soát trong quý IV và kịch bản tổng thể cho năm 2022 và cho cả tới năm 2023.
Và ngay sau khi tỉnh quyết định mở lại một số dịch vụ, du lịch nội tỉnh có kiểm soát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện phục hồi hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP Hạ Long. Qua làm việc và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch, các địa phương tập trung, quyết liệt chỉ đạo, xây dựng các tour du lịch và cung cấp các sản phẩm du lịch an toàn trong dịch bệnh theo hướng tận dụng lợi thế về du lịch biển, du lịch nghỉ đêm trên Vịnh. Căn cứ vào tình hình thực tế để từng bước đón khách du lịch ngoại tỉnh, tập trung ở các địa bàn đã an toàn với dịch bệnh.
Trước mắt, kết nối du lịch Quảng Ninh- Hải Phòng, tận dụng cơ hội an toàn dịch bệnh giữa hai địa phương, đặc biệt là tuyến phà Tuần Châu- Cát Bà và Lan Hạ- Cát Bà- Hạ Long. Xây dựng ngay các mô hình du lịch lưu trú dài ngày, sử dụng dịch vụ khép kín, được kiểm soát chặt chẽ ở mọi khâu, đảm bảo an toàn cho du khách, không gây rủi ro về dịch bệnh cho cộng đồng. Bên cạnh đó, tại mỗi điểm du lịch cần tích cực tuyên truyền thông điệp: Mỗi du khách phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19...
Sau khi có chủ trương nới lỏng một số dịch vụ của tỉnh, đặc biệt là tận dụng cơ hội an toàn dịch bệnh trên địa bàn và độ phủ tiêm vắc xin diện rộng trên địa bàn để khôi phục, phát triển du lịch nội tỉnh, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch đã tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện, kiểm soát an toàn phòng dịch để khôi phục hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, đặc biệt là thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ trong khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội.
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút khách du lịch đến tỉnh trong các tháng, quý còn lại của năm 2021 đạt mức cao nhất trong điều kiện bình thường mới, cụ thể trong quý IV/2021 đón được 1,5-2,0 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 4.000-4.500 tỷ đồng.
Kỳ vọng, địa bàn Quảng Ninh tiếp tục giữ vững được sự an toàn dịch bệnh để không chỉ riêng ngành du lịch mà các ngành kinh tế- xã hội khác cũng được khôi phục đạt kế hoạch, mục tiêu phát triển như đã đề ra, góp phần vào thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" trên địa bàn tỉnh.../.
Theo Báo Quảng Ninh