Cây rất khó tính
Cây ăn quả có múi mà hai loại chính là cam và bưởi thuộc nhóm á nhiệt đới, rất thích hợp với điều kiện sinh thái các tỉnh phía Bắc, cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại khác. Chính vì thế trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã mở rộng diện tích lên rất nhanh. Tuy nhiên cây có múi là đối tượng khó canh tác hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Nếu không được chăm sóc, ban đầu có thể lên được nhưng sau đó sẽ kém phát triển, bị sâu bệnh hại tấn công dẫn đến năng suất và chất lượng quả thấp.
Một số địa phương trồng tập trung bị nhiễm bệnh tương đối nghiêm trọng gồm những loại chính là Greening, loét, chảy gôm, vàng lá thối rễ. Về côn trùng gây hại gồm nhóm các loại rệp hại, nhện hại, sâu, ruồi đục quả và ngài chích hút, nhất là ở những vườn gần bìa rừng. Một số hộ nông dân tại một số địa phương đang thua lỗ vì cây có múi là có thật.
Một trang trại cam ở thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình đang bị bệnh vàng lá. Ảnh: Nông nghiệp
Nguyên nhân chính của tình trạng trên đầu tiên từ giống chất lượng chưa đảm bảo. Chưa có nhiều cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp lớn ở địa phương có hệ thống sản xuất giống sạch bệnh với nhà lưới cách ly quản lý cây S0, cây S1 và sản xuất cây giống đảm bảo cách ly; các cơ sở sản xuất giống tư nhân hiện làm ở ngoài trời, rất khó kiểm soát chất lượng.Nhiều cơ sở không áp dụng tiêu chuẩn cây giống, túi bầu được thu nhỏ nhất có thể để giảm giá thành, vận chuyển được nhiều dẫn đến rễ bị cuộn lại, lúc trồng ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng.
Về kỹ thuật trồng và chăm sóc, do phát triển quá nhanh trong thời gian qua ở một số tỉnh nhiều diện tích trồng lên cả đỉnh đồi rất cao, gặp nhiều hạn chế về công tác chăm sóc, tưới và đất bị rửa trôi nhiều, trồng xuống tận ruộng trũng dễ bị ngập úng, nấm bệnh tấn công bộ rễ. Tại các vùng trồng tập trung, nhiều hộ gia đình đầu tư thâm canh quá cao, sử dụng lắm phân bón vô cơ, thuốc BVTV để nâng cao năng suất làm cho vườn nhanh suy thoái.
Một số giải pháp
Để khắc phục tình trạng trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất là quy hoạch vùng trồng. Hiện chúng ta không còn quy hoạch chuyên ngành nữa nhưng để phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và có múi nói riêng được bền vững, các địa phương nên có đề án phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với cam, các địa phương nên giữ ở diện tích như hiện tại, chỉ trồng thay thế các vườn cây đã hết chu kỳ kinh doanh cũng như các vườn cây bị bệnh, sử dụng giống theo hướng rải vụ, chất lượng cao, ít hạt. Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn và được công nhận cho sản xuất thử một số giống như cam chín sớm CS1, cam GL3-2, cam không hạt NV03 và cam sành ít hạt HG1. Viện Di truyền Nông nghiệp có các giống cam mới như cam V2, cam CT36, cam Marr và cam số 9.
Với bưởi, các giống nhìn chung đều có khả năng sinh trưởng khỏe, không mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh gây hại như cam nên dễ canh tác hơn. Mặt khác, các nước trồng bưởi ở trên thế giới không nhiều, ở châu Âu, châu Mỹ họ trồng nhóm bưởi chùm sử dụng cho chế biến khác với kiểu bưởi ăn tươi của ta nên khả năng về thị trường là rất rộng. Hơn thế ta có nhiều giống bưởi chất lượng tốt, phía Nam có bưởi Năm Roi, da xanh, lông cổ cò đang xuất khẩu, phía Bắc có bưởi Phúc Trạch đã xuất khẩu nhưng diện tích nhỏ. Với bưởi Diễn thuộc dạng ngọt, nếu xây dựng được thị trường thì khả năng xuất khẩu được là rất lớn.
Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học chống bệnh vàng lá ở Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: Nông nghiệp
Nên chọn bộ giống bưởi có khả năng rải vụ, cùng với các loại đang được trồng phổ biến ở phía Bắc như bưởi Diễn, bưởi Bằng Luân, bưởi Chí Đám, bưởi đỏ Hòa Bình có thể lựa chọn một số loại mới như bưởi đường lá nhăn, bưởi Tam Vân. Tùy vào tín hiệu, độ mở của thị trường thế giới mà ta có thể phát triển diện tích.
Thứ hai là các tỉnh có diện tích trồng lớn phải đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất giống trong nhà lưới ba cấp, áp dụng nghiêm chỉnh quy trình sạch bệnh.
Thứ ba là kỹ thuật trồng và chăm sóc, quản lý dinh dưỡng và phòng chống tái nhiễm bệnh Greening. Sản xuất cây ăn quả có múi cần phát triển theo hướng sử dụng phân hữu cơ thay thế cho phân vô cơ, thuốc BVTV sinh học thay thế hóa học. Tăng cường phổ biến quy trình canh tác cho bà con nông dân.
Thứ tư là làm tốt hơn công tác quản lý, kiểm tra giám sát của địa phương về sản xuất, cung ứng cây giống.
Thứ năm là áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Hiện một số vùng sản xuất đã được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP hoặc sản xuất theo hướng VietGAP với đặt hàng là để xuất khẩu. Tuy nhiên khi nhiều hộ nông dân áp dụng theo, lúc có sản phẩm lại không bán được theo đặt hàng mà chỉ bán bằng giá với sản phẩm thông thường theo các kênh tiêu thụ truyền thống trong khi chi phí sản xuất cao hơn hẳn. Bởi thế họ sẽ bỏ VietGAP để quay trở lại sản xuất thông thường khiến cho tỷ lệ áp dụng trong sản xuất cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn rất hạn chế. Cần khắc phục tình trạng trên để xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương một cách bền vững./.
PV tổng hợp theo Nông nghiệp