Trải qua 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân khu vực biên giới tin yêu bằng nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới.
Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3/3/1959- 3/3/2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2023), phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Văn Ngọc Quế- Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng về những hoạt động hiệu quả này:
PV: Thưa Thiếu tướng, kể từ ngày thành lập đến nay, trong 64 năm cùng với việc xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng vững mạnh, toàn lực lượng BĐBP đã quan tâm chăm lo xây dựng biên giới lòng dân trên địa bàn biên cương Tổ quốc?
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế: Đảng ta xác định: Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Vì vậy, việc củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” và tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đến thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP.
Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc sẽ huy động, tập hợp được sức mạnh tổng hợp của toàn dân; phát huy vai trò, trách nhiệm là chủ thể của mỗi người dân trong tham gia quản lý và bảo vệ bảo vệ biên giới; xây dựng “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, tạo thành “vành đai nhân dân” bảo vệ biên giới.
Bên cạnh đó, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh sẽ phát huy được vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia cùng BĐBP quản lý và bảo vệ biên giới. Đồng thời, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới sẽ góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
PV: Thưa Thiếu tướng, 34 năm qua, Ngày Biên phòng toàn dân đã được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân biên giới hưởng ứng, triển khai hiệu quả. Theo ông, việc tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân ở các địa phương đã gắn kết người dân biên giới và BĐBP ra sao?
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế: Ngày 22/2/1989 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT, lấy ngày 03/3 hàng năm là ''Ngày Biên phòng" trong cả nước. Tiếp đó, ngày 17/6/2003, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI, đã thông qua Luật biên giới quốc gia, trong đó quy định lấy ngày 3/3 hàng năm là "Ngày Biên phòng toàn dân". Đây là bước phát triển mới và toàn diện trong chỉ đạo thực hiện các nội dung của ''Ngày Biên phòng toàn dân", đồng thời cụ thể hoá những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đối với địa bàn chiến lược là vùng biên giới, hải đảo.
Quá trình thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, truyền thống tốt đẹp trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền ANBG của quân và dân ta càng được phát huy và có những bước phát triển mới, sâu sắc, toàn diện hơn. Các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sỹ nơi biên giới đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bám trụ vững chắc nơi tuyến đầu Tổ quốc, xây dựng vùng biên giới vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền ANBG, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới đất nước; củng cố quan hệ đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng, mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế.
Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới, hải đảo. Các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển đã ra các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch tổ chức phong trào quần chúng thực hiện ''Ngày Biên phòng toàn dân". Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam, các bộ, ngành và các đoàn thể ở Trung ương đều có kế hoạch, chương trình hành động hướng về biên giới, hải đảo nhằm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, động viên, chia sẻ khó khăn với nhân dân và cán bộ, chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo. “Ngày Biên phòng toàn dân” thực sự đã trở thành Ngày hội của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc.
Năm 2023, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố biên giới tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức “Ngày hội Biên phòng toàn dân” tại 100% các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới. Theo chương trình, Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng dự, tặng quà làm điểm tại 3 tỉnh Hà Giang, Tây Ninh, Quảng Nam với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: Tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng; thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống theo phong tục, tập quán địa phương. Tổ chức tọa đàm, trao đổi, phát huy sáng kiến của Nhân dân tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tổng kết trao thưởng cho tập thể, cá nhân tham dự phần hội. Tùy từng điều kiện, các địa phương có thể tổ chức “Bữa cơm đoàn kết, ấm tình quân dân” phù hợp.
PV: Thưa thiếu tướng, trong những năm qua, BĐBP đã hỗ trợ người dân rất nhiều trong phát triển kinh tế và qua đó người dân yên tâm hơn trong cuộc sống cũng như sản xuất- kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương. Ông cho biết cụ thể hơn về hoạt động này?
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế: Về hỗ trợ cho đồng bào khu vực biên giới để phát triển kinh tế xã hội thì rất nhiều việc làm cụ thể. Hiện nay là bộ đội biên phòng cũng đã khái quát tổng kết lại có 22 chương trình mô hình và sáng kiến của Bộ đội Biên phòng để thực hiện nhiều việc làm hết sức cụ thể.
Bộ đội biên phòng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa cán bộ hoặc là tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ các đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện và cấp xã biên giới đối với việc giúp cho đồng bào các dân tộc biên giới có hiệu quả hơn, gần hơn với dân bộ đội biên phòng. Có hơn 300 cán bộ tăng cường xã xuống cùng ăn cùng ở với đồng bào để giúp cho dân phát triển kinh tế xã hội và các đồng chí cán bộ tăng cường cũng như là cán bộ được giữ chức danh ở các xã thì luôn gần gũi. Thứ nhất là tham mưu cho cấp ủy chính quyền các địa phương về chương trình phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới.
Thứ hai nữa là giúp cho bà con dân là ổn định cuộc sống, các hỗ trợ về vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn về cách chăm sóc để bà con nhân dân tự thoát nghèo. Ngoài ra thì bộ đội biên phòng còn phân công đảng viên sinh hoạt với các thôn bản để làm sao được duy trì được nề nếp sinh hoạt của các chi bộ thôn bản biên giới và cũng là gần gũi hơn với bà con để nắm tâm tư nguyện vọng tình cảm để làm cầu nối với chính quyền địa phương với các ngành, các cấp. Cho nên bộ đội biên phòng cũng thực sự là một cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân với đồng bào các dân tộc, bộ đội biên phòng cũng trực tiếp các đồng chí quân y bộ đội biên phòng.
Ngoài các trạm quân dân y kết hợp ra thì các đồn biên phòng cũng trực tiếp là chăm sóc sức khỏe cho bộ đội bất kể sớm trưa chiều tối, khi có yêu cầu thì các đồng chí đều xách túi thuốc lên đường. Ngoài ra thì để chăm lo giúp đỡ cho những người nghèo, những trẻ em bị mồ côi, khu biên giới cũng chưa được nhiều nhưng bằng tấm lòng bằng tình cảm, bằng sự tri ân của bộ đội biên phòng đối với đồng bào nơi biên giới cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng hướng ra biên giới cùng với bộ đội biên phòng để chăm lo cho người nghèo nơi biên giới và cũng từ những việc làm rất thiết thực của bộ đội biên phòng. Cho nên là đồng bào nơi biên giới cũng sẵn sàng cùng với bộ đội biên phòng để bảo vệ biên giới quốc gia duy trì thực hiện tốt các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia về cái việc qua lại biên giới cửa khẩu.
PV: Thưa Thiếu tướng, để xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, công tác đối ngoại biên phòng sẽ được Bộ Tư lệnh BĐBP quan tâm như thế nào trong gian tới?
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế: Đối với công tác đối ngoại của bộ đội biên phòng thì trong những năm gần đây luôn được Bộ Quốc phòng đánh giá là một điểm sáng đối ngoại quốc phòng. Bộ đội Biên phòng tham mưu cho các địa phương tổ chức giao lưu hai địa phương biên giới, giao lưu các đơn vị bảo vệ biên giới thì cũng thường xuyên hàng năm. Có như vậy thì lực lượng bảo vệ biên giới hai bên thực hiện tốt ngoài giao lưu các hoạt động văn hóa, thể thao ra, thì còn hiểu biết và cùng nhau để bảo vệ đường biên giới chung giữa hai bên biên giới.
Trong những năm gần đây thì hoạt động kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới cũng được Bộ đội biên phòng tích cực làm tham mưu cho các địa phương và có hiệu quả rất tốt. Ngoài việc thăm thân và cam kết không vi phạm các quy định về Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biên phòng ra, các quy định về qua lại biên giới cửa khẩu ra thì bà con nhân dân rất phấn khởi mối quan hệ dòng tộc thân tộc cũng được kết nối hiểu nhau hơn và cùng nhau bảo vệ biên giới, thực hiện tốt các quy định về khu vực biên giới về qua lại biên giới cũng như là các hoạt động khác được bà con hưởng ứng rất tích cực.
Chính vì mối quan hệ giữa hai bên biên giới của nhân dân, của chính quyền của lực lượng bảo vệ biên giới có quan hệ rất tốt đẹp. Như vậy thì các vụ việc xảy ra ở biên giới được giải quyết rất nhanh gọn từ việc thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng trong việc thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, cũng huy động được sức mạnh tổng hợp để xây dựng biên giới đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới có điều kiện hơn như là huy động được việc mà xây dựng các cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới thì bà con cũng như là bộ đội cũng đỡ vất vả, đỡ khó khăn trong việc mà thực hiện nhiệm vụ cũng như là làm ăn sinh sống trên địa bàn.
PV: Với trách nhiệm được giao, mới đây nhất, cán bộ chiến sĩ của BĐBP đã có mặt cùng với các lực lượng của Quân đội triển khai công tác CHCN giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục thảm họa động đất. Sự nỗ lực của CBCS và các lực lượng tham gia cứu nạn khẳng định điều gì?
Thiếu tướng Văn Ngọc Quế: Như chúng ta đã biết, sau khi động đất xảy ra vào sáng ngày 06/02 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã làm hàng loạt công trình sụp đổ, gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này lên đến gần 50.000 người.
Xuất phát từ truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam “giúp bạn như thể giúp mình”, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc và đặc biệt từ mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng đã cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ với mục địch cung cấp, hỗ trợ nhân đạo, tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu; Bộ Tư lệnh BĐBP đã cử Đội sử dụng Chó nghiệp vụ TKCN (gồm 09 cán bộ và 06 chó NV) của Trường Trung cấp 24/BP tham gia Đoàn TKCN BQP tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có rất nhiều kinh nghiệm CHCN ở Việt Nam và đã tham dự các kỳ hội thao quân sự quốc tế Army Games.
Đây là sự thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam; cho thấy tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc trong thực hiện các cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về cứu hộ, cứu nạn, phòng chống hiên tai, dịch bệnh cùng các thách thức an ninh phi truyền thống.
Thứ hai, đó là đã khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, BĐBP nói riêng trong hội nhập, quan hệ, hợp tác quốc tế về cứu nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cùng các thách thức an ninh phi truyền thống. Đồng thời khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, BĐBP nói riêng trong hội nhập, quan hệ, hơp tác quốc tế; thể hiện bản lĩnh, nghiệp vụ, trình độ cứu nạn, cứu hộ của người lính Biên phòng Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.
Xuân Lan/VOV1