Quy hoạch vùng trồng lớn và sản xuất sạch
Tại Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?", nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, phần lớn cà phê của Việt Nam là xuất thô, giá trị chưa cao, chưa có nhiều thương hiệu lớn trên bản đồ cà phê thế giới.
Thực tế, nhiều nông dân trồng cà phê vẫn còn giữ thói quen canh tác cũ, chưa đáp ứng các tiêu chí khắt khe của xuất khẩu. Trong khi thị trường thế giới đang hướng tới tiêu dùng cà phê sạch. Bên cạnh đó, diện tích trồng cà phê còn manh mún, chưa quy hoạch vùng cho cây cà phê Tây Nguyên để có vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng các chuẩn xuất khẩu.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị ngành chức năng cùng các địa phương phải quy hoạch được vùng nguyên liệu trồng cà phê lớn. Đồng thời, các địa phương có liên kết chặt chẽ trong việc chọn lọc sử dụng giống tốt, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Để sản xuất được cà phê sạch, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, thành lập các chi hội ngành nghề. Người nông dân phải chấp nhận đầu tư dài hơi, lỗ trước, lời sau. Ngành chức năng đồng hành cùng nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu.
Còn ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng: Để tăng giá trị cho hạt cà phê thì cần phải thực hiện xuyên suốt tư giá trị đầu vào và đầu ra. Trước tiên, chúng ta phải giảm chi phí đầu vào như: Cây giống, vật tư nông nghiệp, phân bón và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, tránh tồn dư hóa chất và đẩy mạnh cơ giới hóa trong trồng cà phê…
"Chúng ta phải tập trung phát triển sản xuất cà phê đáp ứng được tiêu chuẩn cà phê sạch của yêu cầu thị trường. Nếu chúng ta cứ làm như quy cách lâu nay, không theo quy cách thì sản phẩm của chúng ta sẽ không tiêu thụ được cho nên cái này thì chúng phải chuyển biến nhanh" - ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.
Xây dựng thương hiệu và chế biến sâu
Về việc xây dựng thương hiệu cà phê, ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế cho rằng, doanh nghiệp cần chung tay với nông dân để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng. Để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt, cần chú trọng đầu tư sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam vì hiện nay rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê xuất khẩu ra thế giới.
Ông Cường chia sẻ: "Hiện nay, chúng ta chưa có thương hiệu cà phê nào đứng trong 10 loại cà phê mắc nhất thế giới. Chúng ta rất cần một số đơn vị làm thương hiệu cà phê Việt Nam khi thương hiệu của chúng ta tăng lên thì giá trị cà phê sẽ tăng lên tốt hơn. Chúng ta có nhiều vùng miền trồng cà phê nhưng chúng ta cần có một số thương hiệu vùng miền gắn với chỉ dẫn địa lý. Chúng ta tạo thương hiệu gắn kết với chỉ dẫn địa lý khi xuất khẩu tạo thêm giá trị giá trị khi chúng ta gắn với câu chuyện".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc nâng cao giá trị cà phê không chỉ từ việc chế biến tinh mà còn tạo ra thêm giá trị từ cây cà phê như hoa cà phê, vỏ cà phê, bã cà phê… Bộ trưởng truyền thông điệp là để tăng giá trị cà phê lên 5-10 lần thì phải định vị lại dòng sản phẩm, xu thế thị trường, nhu cầu thị trường.
Theo ông Hoan: "Chúng ta định vị lại sản phẩm cà phê của ra thị trường thế giới. Người ta làm nhiều sản phẩm từ cây cà phê mà chúng ta chưa làm, mới làm thô. Việt Nam còn không gian lớn để tạo ra hình ảnh, giá trị cây cà phê, hiện vẫn bỏ trống hoặc chúng ta mới manh nha"./.
Lệ Hằng/VOV-TP.HCM