Khẳng định vị thế
Theo Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, thị trường tiêu thụ gạo còn nhiều dư địa. Riêng trong nước có nhu cầu tiêu thụ gạo khoảng 8,2 triệu tấn/năm; nhu cầu gạo đóng túi có thương hiệu khoảng 2 triệu tấn/năm; trong đó, khu vực thành thị chiếm khoảng 65%, khu vực nông thôn khoảng 35%. Giai đoạn 2025-2030 trung bình mỗi năm số lượng gạo bán lẻ dự báo tăng khoảng 5-7%, thị trường xuất khẩu cũng mở rộng hơn với hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại. Đây sẽ là cơ hội để lúa gạo Thái Bình tiếp cận, mở rộng thị trường.
Thực tế những năm qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm đến xây dựng thương hiệu gạo. Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed được xem là doanh nghiệp tiên phong, đầu tàu trong nghiên cứu, chọn tạo, chế biến giống, thực hiện liên kết trong sản xuất với hợp tác xã, nông dân và chú trọng chất lượng cũng như thương hiệu gạo.
Năm 2017 doanh nghiệp này đã đầu tư thuê tư vấn nước ngoài và ra mắt thương hiệu gạo Niêu vàng, nếp A Sào. Tiếp đó lần lượt các thương hiệu gạo khác như Tám thơm Tiền Hải, Nhất Hương, Sông Vàng. Tại cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam năm 2022”, có 3 giống lúa của ThaiBinh Seed đạt giải thưởng; trong đó, 2 giải nhất gồm giống gạo Nếp A Sào, gạo TBR39; giải ba gồm giống nếp TBR78. Dự kiến doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng tham dự cuộc thi gạo ngon thế giới. Đây là cơ hội, lợi thế để gạo Thái Bình nói chung tiếp tục nâng cao chất lượng, thâm nhập và mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, thời gian qua ThaiBinh Seed đã nghiên cứu, sản xuất thử để xác định các vùng trồng lúa gạo với từng giống. Doanh nghiệp cam kết sẽ đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình. Để phát triển ngành hàng lúa gạo, tỉnh cần xây dựng chuỗi các hoạt động từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, cần có liên kết chặt chẽ giữa nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với hợp tác xã và người nông dân.
Phấn đấu trở thành thương hiệu gạo quốc gia
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy, để khai thác thế mạnh sản xuất lúa của địa phương, thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu và đề nghị các địa phương đánh giá tiềm năng lợi thế với các phân khúc của thị trường trong nước và xuất khẩu; khảo sát, đánh giá việc phát triển sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, lúa phục vụ chế biến và những khu vực cần mở rộng, đảm bảo đủ sản lượng cung ứng ra thị trường; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng và chuyển giao quy trình sản xuất phù hợp từng vùng.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các hợp tác xã kiểu mới sản xuất kinh doanh lúa gạo, phát triển liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp; hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với sản lượng lớn, đồng đều, bảo đảm chất lượng. Đồng thời, bổ sung các loại giống lúa mới vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, đáp ứng về năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; phục tráng các giống lúa bản địa có giá trị; triển khai đồng bộ quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất lúa gạo.
Về xây dựng thương hiệu gạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho rằng, cùng với phân vùng nguyên liệu đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu gạo quốc gia, tỉnh Thái Bình sẽ phân tích các chỉ tiêu đánh giá chất lượng gạo trong vùng nguyên liệu, làm cơ sở xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình.
Hiện tỉnh Thái Bình đang xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo tỉnh Thái Bình” với nhiều cơ chế, giải pháp đột phá nhằm khẳng định thương hiệu gạo địa phương và gia tăng giá trị sản xuất. Theo dự thảo, đến năm 2025, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh gần 74.000ha, cơ cấu giống chất lượng cao chiếm 50 - 60%, sản lượng thóc khoảng 900.000 tấn/năm; 5 – 10% diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), 500ha trở lên áp dụng quy trình nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa tỉnh Thái Bình gần 70.000ha, cơ cấu giống chất lượng cao từ 70% trở lên, sản lượng thóc trên 800.000 tấn/năm; 100% diện tích vùng sản xuất lúa tập trung được ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, VietGAP; 20% diện tích sản xuất áp dụng quy trình nông nghiệp hữu cơ.
Về thương hiệu gạo Thái Bình, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu của địa phương đạt trên 40.000 tấn, đến năm 2030 đạt khoảng 60.000 tấn. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 1 - 3 thương hiệu gạo đạt thương hiệu quốc gia; đến năm 2030 sẽ có 3 - 5 thương hiệu gạo Thái Bình đạt thương hiệu quốc gia.
Nguồn TTXVN