Hơn 1 triệu người được xóa nợ thuế
Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2022, có hơn 1 triệu người nộp thuế đã được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Tổng số tiền thuế khoanh và xóa nợ hơn 37.500 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan quản lý thuế đã khoanh nợ với 705.475 người nộp thuế, với tổng số tiền 29.897 tỷ đồng. Cơ quan quản lý thuế đã xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 317.469 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh, với tổng số tiền là 7.631 tỷ đồng.
Đối tượng hưởng chính sách này là người nộp thuế đã chết, mất tích hoặc giải thể, phá sản, thực tế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, không còn khả năng nộp thuế.
Theo Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế, sản xuất kinh doanh bị đình trệ khiến hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể, phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh đã khiến số nợ thuế có xu hướng tăng lên.
“Trước tình hình đó, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế. Cùng với đó, triển khai xử lý nợ, khoanh nợ, xóa nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh”, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết.
Để được khoanh nợ, xóa nợ, người nộp thuế phải có văn bản xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế ước tính đến cuối năm 2022 122.918 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi 22.454 tỷ đồng, tiền thuế nợ đang xử lý là 8.018 tỷ đồng.
Cơ quan quản lý thuế công khai danh sách người nộp thuế đề nghị xóa nợ tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh và tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế.
Để đẩy nhanh thu hồi nợ thuế, xóa nợ thuế, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế phân loại các khoản nợ thuế. Từ đó có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Ngành thuế giao nhiệm vụ thu nợ đối với người nộp thuế đến từng phòng quản lý, lãnh đạo cục thuế, chi cục thuế, công chức quản lý nợ thuế. Cán bộ thuế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan như: công an, ngân hàng, toà án, quản lý thị trường để thu hồi nợ thuế.
Cần đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, thời gian xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 kết thúc vào ngày 30/6. Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế địa phương xác định đúng đối tượng được xử lý nợ, thu thập, bổ sung, hoàn thiện và lập đầy đủ hồ sơ xử lý nợ. Xử lý khoanh nợ, xóa nợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ đúng quy định. Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao trách nhiệm, gắn trách nhiệm xử lý nợ đến từng cán bộ, công chức trên địa bàn
“Quy trình quản lý nợ đã sửa đổi, bổ sung nội dung về phân loại nợ thuế, về hồ sơ phân loại nợ thuế để phù hợp với quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về đăng ký kinh doanh, luật phá sản. Bổ sung nội dung, trình tự thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh”, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho hay.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thực tế cho thấy nhiều người nộp thuế đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh. Hiện tại, có những trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu chúng ta không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc xóa nợ thuế hầu hết các nước trên thế giới đều làm. Hàng năm, các nước đều có số lượng thuế nhất định chưa thu được, có khoản sau 1-5 năm có thể thu hồi được nhưng có khoản được xác định là không thể thu hồi.
“Nhiều khoản nợ thuế không thể thu được. Đặc biệt, Việt Nam và một số nước có khoản gọi là phạt chậm nộp tính theo ngày. Vì thế, ngoài khoản nợ thuế, phạt chậm nộp cứ thế sẽ đội lên nhiều. Chúng ta trong thời gian dài không thực hiện xoá những khoản nợ thuế không có khả năng thu nên nó đã trở thành khoản nợ lớn, những khoản này phải xin xóa đi”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xóa nợ thuế, xóa tiền phạt, xóa tiền chậm nộp thuế về mặt chủ trương là hoàn toàn phù hợp, bởi nhiều doanh nghiệp bị phá sản do thiên tai, lũ lụt hay bị thu hồi giấy phép kinh doanh… dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không. Tuy nhiên, điều quan trọng là quá trình thực thi phải đảm bảo công khai minh bạch và công bằng.
“Nợ mà không thể thu hồi được thì để cũng bằng không. Nó sẽ như một bản án treo, thậm chí để còn ảnh hưởng tới doanh nghiệp và mất cân đối thu chi ngân sách. Những trường hợp được đề nghị xóa cần phải xét rất cẩn thận, nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, tránh tình trạng lạm dụng. Không thể để lợi dụng gây thất thoát của Nhà nước”, ông Long nhấn mạnh.
Để khoanh nợ, xóa nợ đúng đối tượng, bảo đảm tính công bằng và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành liên quan cần rà soát, quản lý tốt các đối tượng trong diện được khoanh nợ, xóa nợ thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát để giảm thiểu rủi ro..../.
Diệp Diệp/VOV.VN