Đóng cửa bệnh viện, kỷ luật cán bộ phường, công an phường vì ca nhiễm Covid-19 cộng đồng
Chỉ trong nửa đầu tháng 8, hàng loạt thông tin đình chỉ cán bộ vì lơ là trong công tác phòng chống dịch xuất hiện trên các trang báo trung ương và địa phương. Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An đã phải họp khẩn trong đêm yêu cầu thị xã Hoàng Mai tạm thời đình chỉ công tác đối với Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường Quỳnh Thiện để kiểm điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid; yêu cầu Công an tỉnh tạm đình chỉ chức vụ Trưởng Công an phường Quỳnh Thiện để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm nắm bắt biến động dân cư trong công tác phòng, chống dịch Covid; tạm đình chỉ các hoạt động khám, chữa bệnh của Bệnh viện Quang Khởi từ 0h ngày 12/8 sau khi địa phương xuất hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 10/8, huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với Chủ tịch UBND xã và cảnh cáo Chỉ huy trưởng Quân sự xã Sơn Thành do vi phạm trong công tác tổ chức, triển khai, kiểm tra, giám sát việc cách ly tập trung công dân tại xã Sơn Thành.
Không chỉ Nghệ An, cũng thời điểm trên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cũng bị đình chỉ công tác do “chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã không đạt hiệu quả, để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”. Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk bị đình chỉ công tác 15 ngày vì chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 không kịp thời, để tụ tập đông người và chỉ đạo cách ly tại nhà không nghiêm, để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là lúc những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu, đặc biệt ở cấp gần và sát với dân nhất.
Còn nhớ, thời điểm Vĩnh Phúc lần thứ hai trở thành "điểm nóng" của cả nước về dịch bệnh Covid-19, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã yêu cầu tất cả các thành viên Ban chỉ đạo ở các cấp không được tắt máy điện thoại di động hoặc đi ra khỏi địa phương khi chưa được sự đồng ý của Trưởng Ban chỉ đạo; kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa phương, đơn vị được giao phụ trách lên Ban chỉ đạo cấp trên.
Nói là làm, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và có chủ trương xử lý cán bộ liên quan vì lơ là trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước, vi phạm quy định phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành 2 quyết định về việc tạm đình chỉ công tác đối với 2 Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vì thiếu chủ động, chậm trễ tham mưu thực hiện các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác phòng dịch. Ngoài 2 trường hợp này, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 Chủ tịch UBND phường, 2 Trưởng Công an phường và 2 cán bộ cơ sở bị đình chỉ công tác vì lơ là chống dịch.
Tại điểm nóng phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM, Chủ tịch UBND Quận 8 vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND Phường 15 và điều chuyển công tác đối với Chủ tịch UBND Phường 16 nhằm kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trước đó từng nêu rõ, nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào, người đứng đầu địa bàn đó đều bị xử lý nghiêm khắc, kể cả cách chức.
Kịp thời xử lý cán bộ lơ là chống dịch là biện pháp răn đe tốt nhất
Bình luận về những vụ việc trên, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII cho rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có những phản ứng rất kịp thời trong xử lý cán bộ nhằm nhanh chóng chấn chỉnh kỷ luật công vụ. Đó cũng là cách răn đe tốt nhất đối với cán bộ nói chung, giúp họ nhận thức rõ hơn nữa trách nhiệm để thực thi nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên để không xảy ra tình trạng tương tự, thời gian tới, cần quán triệt hơn nữa những chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước cũng như của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhằm tạo sự đồng bộ trong tổ chức, thực hiện, bởi rõ ràng một số cán bộ vẫn nhận thức chưa ra cho nên mới còn tâm lý chủ quan, duy ý trí, ỷ lại. Sự lăn lộn, trách nhiệm của cán bộ chính là động lực, tạo ra niềm tin, khuyến khích người dân cùng thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp. Đảng viên đi trước, làng nước đi sau, cán bộ không làm tốt thì sao đòi hỏi, yêu cầu bà con làm theo, chưa nói là làm tốt được.
Qua vụ việc hàng loạt cán bộ ở cơ sở bị xử lý trách nhiệm khi chủ quan, lơ là trong công tác chống dịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tình trạng ấy thậm chí còn xảy ra ở cả cấp trung ương, qua đó lộ ra một thực tế trong công tác quản lý điều hành xã hội nói chung, năng lực công tác của cán bộ trong hệ thống chính trị ở nhiều nơi còn yếu kém. Có thể thấy dịch bệnh có xu hướng bùng phát mạnh, nhưng ở nhiều nơi, các giải pháp đề ra còn mang tính đối phó nhất thời mà không tính toán đến những hệ quả của nó, nên dẫn tới những căng thẳng trong đời sống xã hội. Ví như nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng lại đưa ra các quy định nhiêu khê về giấy tờ đi đường của cán bộ công nhân viên chức, người lao động, dẫn tới việc xét hỏi, kiểm tra giấy tờ ở các chốt kiểm dịch gây ùn tắc giao thông, tập trung quá đông người trái với quy định của Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội…
Nhưng rất may, các địa phương đã nhìn ra được những bất cập, yếu kém đó để kịp thời điều chỉnh cách làm phù hợp hơn, bớt căng thẳng trong xã hội, nâng cao hiệu quả chống dịch.
Cũng theo ông Lê Bá Trình, qua diễn biến dịch bệnh, còn cho thấy nhiều cán bộ thiếu tâm huyết, không thấy rõ trách nhiệm của mình đối với yêu cầu đặt ra. Một số cán bộ còn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại ở cấp trên, chưa thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm tình hình dịch bệnh trong cộng đồng dân cư ở cơ sở hay phạm vi địa phương mình phụ trách. Vì không nắm rõ thông tin, chỉ nghe báo cáo nên mới đưa ra những giải pháp sai lệch, chủ quan, duy ý chí, từ đó tạo ra hiệu ứng, kết quả không tốt.
“Liệu cán bộ cấp cơ sở có biết vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là những nơi dịch bùng phát mạnh, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, như lao động tự do, thu nhập thấp sống ở các nhà trọ hay không? Trách nhiệm này phải thuộc về cán bộ ở cơ sở, họ có trách nhiệm nắm rõ những đối tượng thành phần này để có giải pháp cụ thể cùng với những chủ trương chung của Nhà nước”, ông Lê Bá Trình bày tỏ./.
Thanh Hà/VOV.VN