2 điểm nhấn trong xử lý tham nhũng, tiêu cực
Chủ trì phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện qua con số các vụ án, vụ việc được xử lý vừa qua nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cán bộ đảng viên và nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).
5 vụ án trọng điểm đã được đưa ra xét xử kịp thời, trong đó có vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ” xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương (đang xét xử sơ thẩm)...
“Có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua. Nhất là việc xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 2 trường hợp Uỷ viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á gần đây đã thể hiện nhất quán quan điểm: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai" – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Hay như việc xử lý kỷ luật đối với 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Việc kỷ luật các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo này thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Nếu qua thanh tra, kiểm toán không phát hiện sai phạm hoặc có phát hiện sai phạm mà không xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra sai phạm thì trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm toán đó sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Đây là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực.
Một điểm nhấn nữa, chính là việc tiếp tục chỉ đạo khắc phục những khâu yếu, việc khó, tạo bước chuyển biến tích cực hơn trong công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo Tổng Bí thư, nếu như trước đây, khâu yếu, việc khó được Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý là việc cho hưởng án treo không đúng quy định hay việc phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng chưa tốt, còn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây", rồi tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", … thì đến nay các tồn tại, hạn chế đó đã được chấn chỉnh, khắc phục một bước và có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả bước đầu cho thấy, con số thu hồi tài sản tham nhũng lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm; công tác giám định, định giá cũng có chuyển biến tích cực; tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau giữa các cơ quan chức năng, chậm ban hành kết luận hoặc từ chối giám định, định giá tài sản không đúng quy định pháp luật đã giảm hẳn; chất lượng kết luận cũng được nâng lên.
Và yếu tố rất quan trọng góp phần vào các kết quả nổi bật nêu trên chính là hoạt động của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng được duy trì nền nếp, bài bản, hiệu quả.
Kết quả trên cũng được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp 22 của Ban chỉ đạo vào chiều 17/8. Tại phiên họp, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, càng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng có thêm sự kiên trì, kinh nghiệm, càng làm càng bài bản và mang lại kết quả cao hơn. Làm vụ nào chắc vụ đó, “đánh đâu trúng đó”, các đối tượng bị xử lý hành chính và xử lý hình sự đều "tâm phục, khẩu phục". Các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ kiểm tra đến điều tra, từ xử lý kỷ luật Đảng đến xử lý hình sự có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng.
Ông Nguyễn Thái Học cho biết, tại phiên họp, Tổng Bí thư đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua không làm nản lòng, nhụt chí ai, cũng không phải là “đấu đá nội bộ”.
“Chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là xuất phát từ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là yêu cầu, đòi hỏi từ người dân là muốn làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy Nhà nước. Khi Đảng đặt mục tiêu, nhân dân đòi hỏi và chúng ta làm quyết liệt như vậy thì kẻ xấu tuyên truyền, xuyên tạc là “đấu đá nội bộ”. Tổng Bí thư đã nói: Người xấu mà chê chúng ta xấu chứng tỏ chúng ta tốt. Chỉ có người tốt góp ý thì chúng ta phải nghiêm túc chỉnh sửa để tốt lên” - ông Nguyễn Thái Học thông tin.
Sớm xét xử 9 vụ án trọng điểm
Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý, thời gian tới tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Cụ thể là phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án "Thao túng thị trường Chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương đưa ra xét xử 9 vụ án trọng điểm, gồm:
Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác.
Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.
Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Nha Trang Center 2, số 01 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang”.
Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án Nha Trang Golden Gate, 28E Trần Phú, Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.
Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM.
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).
Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Vụ án “Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới” (Vụ án buôn lậu 51 kg vàng và vận chuyển trái phép qua biên giới 200.000 USD) xảy ra tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước sang kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011-2017.
“Tuyệt nhiên không được chủ quan, tự thoả mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được nóng vội, mà phải tiến hành kiên trì, thường xuyên, liên tục, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh./.
Kim Anh/VOV.VN