Ngày 31/3 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo kết luận kỳ họp 13, trong đó tiếp tục đề nghị các hình thức kỷ luật đối với các sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng trong một số vụ án được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Điều này một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Hai năm qua, trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch, hàng vạn y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội phải trực tiếp vào vùng dịch, nhiều người hy sinh cả tính mạng để cứu đồng bào thì một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho sai phạm.
Chính vì vậy, thông báo kết luận Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó tiếp tục đề nghị các hình thức kỷ luật đối với các sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng trong một số vụ án được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, khiến nhiều cán bộ, đảng viên tin tưởng hơn vào sự kiên quyết của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, xử lý vi phạm.
Dẫn lại quyết tâm của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm", ông Phạm Văn Hợp, Bí thư Chi bộ Khu dân cư 8, Phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho rằng, thực tế Đảng đã và đang làm đúng như vậy. Triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Chính phủ cho đến các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt. Người dân rất tin tưởng và hy vọng rằng sắp tới cuộc chiến đấu này ngày càng quyết liệt và có hiệu quả hơn".
Theo ông Chu Đáp, một người dân ở huyện Thái Thụy, Thái Bình, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thêm một lần khẳng định quyết tâm xử lý sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".
"Xử lý như vậy là rất kịp thời, trong bối cảnh dịch dã, đất nước khó khăn như hiện nay. Điều đó cho thấy xử lý vi phạm phải đúng người, đúng việc, ai vi phạm cũng phải xử lý" - ông Chu Đáp nói.
Với nhiều cán bộ, đảng viên, việc phải xử lý cán bộ đảng viên giữ chức vụ cao trong bộ máy quản lý nhưng thoái hóa biến chất, buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm là việc đau xót nhưng không thể không làm, nhằm làm trong sạch bộ máy.
Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, để đào tạo được những cán bộ cấp cao là mất rất nhiều công sức của Đảng cùng sự phấn đấu cá nhân, sự đào tạo của các tổ chức, đoàn thể… Do đó, việc phải kỷ luật cán bộ là điều rất đau xót, nhưng vẫn phải làm.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Như Tiến, nguyên đại biểu Quốc hội, nhấn mạnh: "Chúng ta tuyển người tài vào, tạo cho họ môi trường phát triển, tạo môi trường cho họ dấn thân. Vấn đề là chúng ta biết nuôi dưỡng, biết bảo vệ, biết hun đúc để họ cống hiến cho đất nước".
Các tầng lớp nhân dân, đảng viên và giới trí thức cũng bày tỏ mong muốn công cuộc phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh để tập trung nguồn lực cho xây dựng, phục hồi kinh tế đã bị tổn thất đáng kể do đại dịch gây ra, tạo đà cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, xây dựng niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng.
PGS.TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ, việc Trung ương làm quyết liệt là rất cần thiết, trong thời gian tới cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Như Tổng Bí thư và Đảng ta nhiều lần nói, cái gì dân cần, dân muốn làm, hợp lòng dân thì quyết tâm làm. Một trong những điều người dân muốn và hợp lòng dân nhất đó chính là chống tham nhũng. Do đó, công cuộc này cần phải làm mạnh hơn nữa, tìm ra nhiều gốc rễ thì không những lấy được niềm tin của người dân mà còn là một điều kiện để xây dựng phát triển kinh tế.
Bất cứ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. Điều này đòi hỏi các cơ quan tư pháp cần quyết liệt và thực sự liêm chính, bản lĩnh, công tâm, khách quan, công bằng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm trong sạch bộ máy và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, đất nước và dân tộc./.
Nguyên Nhung/VOV1