Gần đây, hình ảnh của những bao gạo căng mùa bội thu, hay những mẻ cà phê rang đậm màu, báo hiệu một năm thuận lợi cho 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam đã xuất hiện trên nhiều các trang báo quốc tế.
Báo chí quốc tế đánh giá cao khi trong bối cảnh thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn vì COVID-19 hay xung đột giữa Nga và Ucraina, Việt Nam vẫn có những mặt hàng xuất khẩu không chỉ đứng vững, mà còn tăng trưởng.
Hai yếu tố khách quan từ tình hình thế giới đã khiến giá 2 mặt hàng quan trọng này tăng cao, là chi phí vận chuyển quốc tế cao và nhu cầu thế giới về dự trữ lương thực.
Giá gạo của Việt Nam ghi nhận tăng trên thị trường thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Tờ Phnom Penh Post đầu tuần này đưa tin: "Gạo Việt Nam đã tăng 48,6% về khối lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021". Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt hơn 60.000 tấn do các nhà nhập khẩu gạo của khối đã có đánh giá tốt hơn về chất lượng gạo Việt Nam.
Hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam được hãng tin Reuters cập nhật cách đây ít ngày cho thấy, theo dữ liệu vận chuyển sơ bộ, 232.000 tấn gạo sẽ được chuyển tới cảng tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 3, phần lớn xuất khẩu đến Philippines và châu Phi.
Đồng thời Reuters đưa ra nhận định lạc quan rằng: "Các thương nhân đang chờ đợi một vụ thu hoạch sắp tới ở Việt Nam".
"Năm 2012 - 2013, tôi đã đến Việt Nam thành lập một công ty liên doanh tại Nha Trang để xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Benin. Tôi tin rằng đại dịch không làm suy yếu các doanh nghiệp ở Việt Nam mặc dù giá cả có biến động", ông Guillaume Razack Kinninnon, Giám đốc Acess Celebre, Cộng hòa Benin, cho biết.
Tương tự giá gạo, cà phê Việt Nam cũng đang có giá tốt trên thị trường, với mức giá cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với tuần trước, theo Business Recorder.
"Việt Nam là quốc gia có kinh nghiệm trong ngành cà phê. Chúng tôi đang quan tâm đến các giống cà phê bản địa. Các giống cà phê Việt Nam cho sản lượng rất lớn và có thể thu hoạch sớm", ông Max-Auguste Oussou V., Tổng Cục trưởng Cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Lương thực Gabon, cho hay.
Mục tiêu xa hơn về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam được trang The Star của Malaysia đưa tin trên bài báo với tiêu đề: "Việt Nam đạt 6 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê vào năm 2030".
"Thụy Sỹ cũng là nước có lượng tiêu thụ cà phê rất lớn. Cà phê Việt Nam đã định vị thành công trên thị trường thế giới, bên cạnh cà phê Nam Mỹ chẳng hạn. Cà phê Việt Nam rất tuyệt vời và có thể đáp ứng được các điều kiện để được bày bán tại thị trường châu Âu. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì người Thụy Sĩ rất chuộng cà phê", ông Sylvain Jacard, Giám đốc khu vực Pháp ngữ, Trung tâm Xúc tiến thương mại toàn cầu Thụy Sỹ, nhận định.
Nguồn VTV