Xuất siêu trở lại
Những ngày này, 18 nhà máy với 12.000 cán bộ, công nhân của Tổng công ty May 10 - CTCP nhộn nhịp không khí sản xuất. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết: “Ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, chúng tôi đã tập trung cao nhất cho sản xuất, kinh doanh với nhiều giải pháp linh hoạt để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết”.
Cũng như Tổng công ty May 10 - CTCP, khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đã linh hoạt giải pháp, đồng loạt tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bảo đảm tiến độ giao hàng tới các đối tác trên toàn cầu, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm 2021, đồng thời tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho năm 2022.
Quý III-2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta tuy có giảm so với các tháng trước đó, nhưng theo Bộ Công Thương, tính chung 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, sau thời gian nhập siêu, tháng 9 vừa qua, cán cân thương mại đã quay trở lại khi xuất siêu đạt 500 triệu USD.
9 tháng qua, cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu của ngành Nông nghiệp đạt trên 3,3 tỷ USD, là kỳ tích trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoạt động xuất khẩu của nước ta đã tăng trưởng ở hầu hết các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu tháng 9-2021 của Thủ đô ước đạt 1.292 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: Giày dép đạt 24 triệu USD, tăng 83,3%; xăng dầu đạt 66 triệu USD, tăng 75,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 126 triệu USD, tăng 66,5%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 65 triệu USD, tăng 56,6%...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới lỏng giãn cách xã hội nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở trong nước đã giúp các hoạt động kinh tế nhộn nhịp trở lại. Đồng thời, dịch bệnh hạ nhiệt trên thế giới và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, là cơ hội để xuất khẩu phục hồi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định: “Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, hy vọng 3 tháng cuối năm 2021 là thời điểm để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực phía Nam, lấy lại đà tăng trưởng. Và nếu thuận lợi hơn nữa thì năm 2021 chúng ta vẫn có thể tiếp tục xuất siêu”.
Lên kịch bản cho những tháng cuối năm
Xuất siêu trở lại cho thấy nỗ lực lớn của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu từ nay tới cuối năm. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vận tải, logistics chưa bình thường trở lại. Cùng với đó là nguy cơ thiếu lao động tay nghề cao trong lĩnh vực cơ khí, điện tử… khiến các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2021, ngay lúc này, mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần lên kịch bản sát với mục tiêu xuất khẩu đã đề ra; đồng thời thực hiện các kịch bản phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều kiện mỗi địa phương. Ngoài ra, cần đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu để doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ giao hàng”.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Tô Thị Tường Lan đề xuất, cần tiếp tục giảm chi phí logistics, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, giãn, giảm thuế… để doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước địa phương, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến về việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và thông tin thị trường; đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến thương mại...
Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu cả năm 2021 có thể tăng hơn 10% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4-5%). Do đó, từ nay tới cuối năm 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ là tháo gỡ khó khăn nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua. Đồng thời với phát triển thị trường mới là tận dụng sự phục hồi của thị trường Hoa Kỳ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… trong dịp mua sắm cuối năm.
“Bộ sẽ tiếp tục đổi mớai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trên môi trường trực tuyến để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo Hanoimoi.com.vn