Phục hồi nhanh hơn dự kiến
Những tháng cuối năm, xuất khẩu nông sản đã tăng trưởng ngoạn mục. Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết, doanh thu quý III-2021 của công ty giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, những tháng cuối năm đã ghi nhận sự phục hồi ở hầu hết các thị trường lớn nên dự kiến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của đơn vị ước đạt hơn 30 triệu USD, tăng cao so với năm 2020.
Tương tự, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ nhanh hơn dự kiến. Đến giữa quý IV-2021, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục so với thời điểm trước khi có dịch nên 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ NN&PTNT, 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 43,48 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 11 đạt hơn 4,1 tỷ USD). Nhóm nông sản xuất khẩu chính đạt 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; trong đó cao su, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, lúa gạo, sắn và sản phẩm từ sắn… đều tăng trưởng từ 7,3% đến 54%. Xuất khẩu lâm sản cũng vượt mục tiêu đặt ra, đạt 14,3 tỷ USD. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng đều ghi nhận tăng cao, trong đó giá hồ tiêu tăng cao nhất là 54,4%, giá cao su tăng 25,8%, giá cà phê tăng 10,7%…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Nếu duy trì đà tăng trưởng như tháng 11, dự kiến trong tháng 12 này, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt hơn 4 tỷ USD và như vậy năm nay xuất khẩu nông sản Việt Nam ước đạt khoảng 47 tỷ USD. Đây là kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh thế giới chịu nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra”.
Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu cho thấy, nông sản Việt Nam tiếp tục được Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc - những thị trường có giá trị cao, tiếp nhận. Trong 11 tháng năm 2021, thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, đạt hơn 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5% thị phần). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Đứng thứ hai là Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần), trong đó nhóm sản phẩm rau quả chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia đông dân nhất thế giới. Đứng thứ ba là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD (chiếm 6,9% thị phần); thứ tư là Hàn Quốc với khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 4,4% thị phần)…
“Dự kiến từ nay đến cuối năm và sang tháng 1-2022, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu các thị trường chính đều tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều quốc gia sẽ tăng cường nhập nông sản, thực phẩm để chủ động đối mặt với những diễn biến xấu”, ông Nguyễn Quốc Toản thông tin thêm.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nên xuất khẩu nông sản cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là khâu vận chuyển, lưu thông.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Tùng đề xuất, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các đơn hàng quốc tế ở phân khúc thị trường có giá trị cao; làm cầu nối giúp doanh nghiệp liên kết với nông dân, xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Tự thân các doanh nghiệp sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể xâm nhập một số phân khúc thị trường cao cấp...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với việc chủ động tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc của từng thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng phương án sản xuất, điều tiết các kênh phân phối… Cùng với đó, tiếp tục khai thác, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia...
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản bằng việc tăng cường các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hoàn thiện các đơn hàng đã ký; đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương và các đơn vị liên quan trong việc nắm bắt nhu cầu của các đối tác; đẩy nhanh quá trình xúc tiến đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường có sức tiêu thụ lớn, như: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo Hanoimoi.com.vn