Trong tháng 1-2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 12-2020 và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng đạt kết quả ấn tượng là công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, đạt 9,7 tỷ USD; công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 15,6 tỷ USD; nông, lâm sản đạt 1,8 tỷ USD... Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... đều duy trì mức tăng từ 15 đến 111% so với cùng kỳ năm 2020.
Bài học kinh nghiệm trong ứng phó với tình huống, yếu tố bất lợi trong năm 2020 sẽ được đúc rút và tiếp tục vận dụng trong năm nay. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng từ đó, nhiều giải pháp nhằm khơi thông các thị trường đã được áp dụng, như tăng cường xúc tiến thương mại trực tuyến, tìm đối tác mới, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào kết hợp với tìm đầu ra cho sản phẩm... Ngoài ra, một số đơn vị đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chuyển một phần sang sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, nhất là khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, việc duy trì sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, nhất là với nhóm hàng hóa chủ lực như điện thoại và linh kiện, hàng điện tử, máy tính, da giày, dệt may, cơ khí, gạo... tiếp tục được chú trọng. Mặt hàng gạo vốn là điểm sáng của xuất khẩu nông sản năm 2020 đang đứng trước thời cơ tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ điều kiện thuận lợi về sức cầu trên thế giới vẫn duy trì ở mức khá cao; trong khi chất lượng gạo của ta cũng đang được cải thiện đáng kể.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù lượng gạo xuất khẩu hiện trong xu thế giảm nhưng tổng giá trị thu về vẫn tăng do chất lượng gạo tăng.
Dự báo về khả năng xuất khẩu gạo năm 2021, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, có một số điều kiện, yếu tố giúp gạo Việt Nam tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu là việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng gia tăng chất lượng; các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi và tăng mức cầu cho gạo Việt Nam bứt phá; dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân làm tăng mức cầu lương thực cũng như nhu cầu dự trữ nói chung.
Dự báo về tình hình xuất khẩu năm 2021, ông Lê Huy Khôi, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến có thể đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô xuất khẩu.
Còn bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, chương trình xúc tiến thương mại sẽ hướng đến thị trường mục tiêu là đối tác tham gia FTA, từ đó khai thác tiềm năng, sức mua cao của từng quốc gia thành viên. Một số chương trình xúc tiến sẽ được tổ chức theo chuỗi sự kiện quy mô lớn, kết hợp với hội chợ triển lãm nhằm tăng cường kết nối, giới thiệu sản phẩm.
Cùng với đó, chuyên gia kinh tế thương mại Phạm Tất Thắng nhận xét, doanh nghiệp đang khai thác tốt các thị trường truyền thống kết hợp với thâm nhập nhanh vào những thị trường mới thông qua các FTA để tận dụng ưu đãi về thuế suất.
Với thực tế và sự nỗ lực của cơ quan chức năng, nhất là từ phía doanh nghiệp, hy vọng mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 4-5% so với năm 2020 sẽ trở thành hiện thực.
Theo Hanoimoi.com.vn