Hình ảnh người lính lên đường vào Nam cùng với lực lượng tuyến đầu giúp chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Nam chống dịch trong những ngày qua đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Sự có mặt của họ ở những điểm nóng đã giúp người dân bình tâm, tin tưởng vào tính kỷ luật, tinh thần tận hiến của bộ đội Cụ Hồ, thêm tin tưởng vào khả năng sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Nhiều người thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn và cả nguy hiểm mà người lính và những lực lượng ở tuyến đầu đang đối mặt ở tâm dịch, vậy nhưng cũng có những tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc hình ảnh và việc làm của người lính, kích động, chia rẽ vùng miền, gây bức xúc dư luận.
Bình tĩnh, tự tin bước vào vùng dịch
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ, nhìn hình ảnh những người lính tuổi đôi mươi cùng với lực lượng tuyến đầu ở tâm dịch TPHCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ chính quyền, người dân vượt qua đại dịch, ông tin rằng, mọi người dân Việt Nam sẽ không khỏi xúc động. Trong sự xúc động đó có một niềm tin, những giá trị tinh thần ấy sẽ được lan tỏa và tạo nên sức mạnh. Có thể nói, những người lính Việt Nam một lần nữa hiện diện trong cuộc chiến chống COVID-19 thật đẹp đẽ và trong sáng.
Theo dõi diễn biến dịch bệnh những ngày qua, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sự xuất hiện của những người lính để giúp sức cho chính quyền và nhân dân lúc này là vô cùng cần thiết. Bởi đây là lúc rất cần tới tính kỷ luật, sự hy sinh và dâng hiến trong bản chất của mỗi người lính Cụ Hồ. Đó là truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong khó khăn, thách thức, phẩm chất và sự hy sinh của người lính luôn cao cả, trọn vẹn hơn bao giờ hết.
Công cuộc phòng chống COVID-19 được ví như một “cuộc chiến” trong thời bình, người lính biết mình có thể bị mắc COVID-19, có thể hy sinh nhưng họ vẫn bước vào đó với nụ cười lạc quan, tươi tắn. Họ đến từng nhà, mang từng bao gạo, túi thực phẩm chia sẻ với người dân. Trong công cuộc chống dịch này, ngoài những biện pháp của khoa học, kỹ thuật, y tế, không thể không nói đến biện pháp tinh thần. Những hình ảnh đó sẽ không phai mờ trong tâm trí của người dân vùng dịch.
Khó có thể diễn tả hết được cảm xúc bằng lời về hình ảnh bộ đội Cụ Hồ. Ở thời nào cũng vậy, thời chiến hay thời bình, nơi đâu khó khăn, gian khổ nhất, ở đó có các anh. Trong những dòng cảm xúc chung bày tỏ sự biết ơn của người dân cả nước, thật khó chấp nhận những lời nói lạc lõng, giễu cợt, vô cảm, thậm chí kỳ thị vùng miền, xúc phạm người lính.
Bức xúc khi đọc những nhận xét đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không thể hiểu tại sao người ta lại có thể thốt ra những lời lẽ vô lương tâm đến thế; những lời nói thể hiện sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau, sự cam chịu thách thức trước những mất mát tính mạng của người dân.
“Tôi không thể tưởng tượng, trước hình ảnh người lính đẹp đẽ, xúc động, nhân văn như vậy, họ có thể nói ra những lời giễu cợt. Tuy đây chỉ là một số ít nhưng nó cho thấy thái độ vô văn hóa, vô ơn của những con người đó. Tôi chắc chắn, không chỉ tôi mà đông đảo người dân ở mọi tầng lớp, những ngày qua cũng đã lên tiếng phản đối quyết liệt. Đó là sự nổi giận của lương tâm. Không chỉ Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đang phải huy động các lực lượng vũ trang, quân đội tham gia vào chống dịch”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.
Chắc chắn người lính không cần phải “làm màu”
Cho rằng, trong xã hội, trong bất cứ vấn đề gì luôn có những luồng dư luận trái chiều, với những mục đích khác nhau, vì thế trước những bình luận vô cảm về hình ảnh người lính trên mạng xã hội những ngày qua, Tiến sĩ Phạm Huy Thông, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết công giáo TP Hà Nội, cho rằng, cần xem xét dựa trên số đông, và ông chắc chắn rằng đông đảo dư luận sẽ phản đối những việc làm, lời nói đó.
“Quân đội nhân dân Việt Nam với truyền thống lịch sử lâu đời đã giành được những chiến tích, không chỉ người dân Việt Nam mà cả thế giới đã công nhận, vì thế chắc chắn những người lính không cần phải “làm màu” để tô hồng thêm nữa hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong lúc này”, Tiến sĩ Phạm Huy Thông bày tỏ.
“Nhiệm vụ chính của quân đội không chỉ là giữ gìn, bảo vệ an toàn biên giới lãnh thổ, trong bối cảnh hiện nay, khi cần phải có lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương, thì chắc chắn sự tham gia của quân đội là cần thiết”.
Khẳng định như vậy, đồng thời Tiến sĩ Phạm Huy Thông cũng tin tưởng, cùng với các lực lượng khác, sự tham gia của quân đội sẽ góp phần giảm các ca mắc và ca tử vong. Thực tế đã cho thấy, sự có mặt của quân đội trực ở các trạm kiểm soát đã khiến người dân nhận thức việc cần thực hiện nghiêm chỉnh giãn cách là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, hình ảnh những anh lính trẻ đi chợ hộ cho người dân ở khu vực giãn cách cũng rất xúc động, diễn tả tình quân dân hết sức sâu sắc.
Chứng kiến sự hy sinh của người lính từ khi cuộc chiến chống dịch bắt đầu đến nay, và nhiều lần đã rơi nước mắt trước những vất vả, gian nan và sự hy sinh bằng chính tính mạng của người lính khi tham gia cứu nạn, cứu trợ nhân dân trong thiên tai, bão lũ, chị Hồng Minh (Hà Nội) thấy yêu hơn, thương hơn, tự hào hơn về những người lính, trong đó có những người lính trẻ 18, 20, chỉ bằng tuổi con trai chị.
Vào với người dân vùng dịch, người lính có thể làm những việc mà khi ở nhà, họ thậm chí chưa khi nào “trải nghiệm” như đi chợ mua rau, mua sữa cho trẻ em, mua đồ cho phụ nữ…. Nhưng trong “cuộc chiến” chống đại dịch lần này, chị Minh cảm nhận rõ nét vai trò, giá trị của người lính, sự có mặt của họ khiến người dân cảm thấy an tâm hơn, vững vàng hơn. Hình ảnh đó tuy giản dị nhưng rất cụ thể, gần gũi, rất đáng được trân trọng.
Người lính chia sẻ phần nào khó khăn với nhân dân bằng những việc làm bình dị, mộc mạc… Họ không mong được quay phim, chụp ảnh để ngợi ca. Họ làm vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm mà Đảng và Nhân dân đã giao phó. Quân đội thời nào cũng vậy, vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, đội quân sản xuất. Do vậy, nếu không dành cho họ những lời tri ân thì đừng nên soi mói để có những phát ngôn làm tổn thương người lính nơi tuyến đầu!./.
Thanh Hà-Thanh Trường/VOV.VN