Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển với những quyết sách, chiến lược mang tính dài hạn.
Quy hoạch không gian biển là một thuật ngữ vẫn còn tương đối mới mẻ với các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và chỉ mới xuất hiện trên thế giới khoảng hơn 20 năm gần đây. Theo thống kê của Chương trình Quy hoạch không gian biển do UNESCO phối hợp với Ủy ban Hải dương liên chính phủ, trên toàn thế giới có khoảng 70 quốc gia đã thực hiện Quy hoạch không gian biển.
Theo định nghĩa của Chương trình Quy hoạch không gian biển do UNESCO phối hợp với Ủy ban Hải dương liên chính phủ: “Quy hoạch không gian biển là một quá trình, có tính chất công vụ, phân tích và phân bổ không gian và thời gian cho các hoạt động của con người trên các vùng biển nhằm đạt được các mục tiêu về sinh thái, kinh tế và xã hội đã được xác định thông qua một quá trình chính trị”.
Còn theo định nghĩa của Luật Quy hoạch 2017 tại khoản 3 Điều 3: “Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”.
Thêm vào đó, Điều 3 Luật Quy hoạch 2017 cũng đưa ra định nghĩa cho các thuật ngữ “quy hoạch” và “quy hoạch tổng thể quốc gia”. Qua đó thấy rằng, quan điểm của nhà làm luật Việt Nam về cơ bản cũng giống như quan điểm chung của thế giới về quy hoạch không gian biển trên 03 phương diện chủ yếu sau:
Thứ nhất, quy hoạch không gian biển là hoạt động của cơ quan công quyền. Không gian biển có đặc thù là không thể bị chiếm hữu bởi riêng một cá nhân, tổ chức nào mà không gian biển chỉ có thể được xác định thuộc về chủ quyền hoặc quyền chủ quyền và được đặt dưới sự quản lý thống nhất của một quốc gia theo nguyên tắc “đất thống trị biển”.
Ngoài ra, quốc gia còn có một số quyền nhất định trong không gian biển cả và đáy đại dương theo quy định của luật biển quốc tế. Đại diện cho mỗi quốc gia trong khai thác, quản lý và sử dụng không gian biển chính là nhà nước cùng với hệ thống các cơ quan công quyền. Do đó, việc quy hoạch không gian biển thuộc về thẩm quyền của quốc gia và được thực hiện thông qua bộ máy nhà nước.
Thứ hai, quy hoạch không gian biển gắn liền với hoạt động phân vùng chức năng. Bản chất của quy hoạch không gian biển chính là việc điều phối tất cả các hoạt động của con người trên không gian biển.
Đây là hai hoạt động mối liên hệ tương hỗ với nhau: phân vùng chức năng là một công cụ dựa vào đó quy hoạch không gian biển sẽ được xây dựng chi tiết hơn, bao gồm cả việc xác định về tính pháp lý cho việc sử dụng và quản lý từng phân vùng cũng như xây dựng kế hoạch sử dụng không gian biển theo các lộ trình khác nhau.
Phân vùng chức năng được coi là công cụ đầu tiên của chu kỳ quy hoạch không gian biển được rút kinh nghiệm từ quy hoạch sử dụng đất rồi áp dụng vào phân vùng chức năng không gian biển.
Thứ ba, quy hoạch không gian biển có mục đích là làm hài hòa mối quan hệ giữa ba trụ cột môi trường – kinh tế – xã hội. Trên phương diện này, quy hoạch không gian biển đóng vai trò như một biện pháp thực hiện phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Quản lý tổng hợp biển theo không gian là phương thức quản lý mới không thay thế quản lý đơn ngành và quản lý theo vấn đề mà nối kết, điều chỉnh các hoạt động phát triển của các ngành nhằm đạt được một sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như làm giảm thiểu các mâu thuẫn lợi ích trong việc sử dụng đa ngành/ đa mục tiêu tài nguyên biển.
Từ thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay, các quốc gia đã dần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và chăm lo cho cuộc sống của con người bên cạnh việc phát triển kinh tế. Quy hoạch không gian biển như là một quy trình tất yếu để đáp ứng yêu cầu của việc phát triển bền vững (còn tiếp)./.