Nếu như không có những chiến lược và biện pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 “vô tiền khoáng hậu” thì có lẽ ngày Quốc khánh đặc biệt như năm nay đã diễn ra từ năm ngoái. Trong nhiều năm trở lại đây, khi đất nước đổi mới với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì liên tục ở mức cao, thì nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 luôn là một dịp nghỉ cuối cùng của mùa hè trước khi các em học sinh bước vào năm học mới. Thường thì là một chuyến du lịch, thăm người thân dài hoặc ngắn tùy theo điều kiện, không thì cũng có một buổi giao lưu liên hoan với người thân, bạn bè mừng Tết Độc lập. Hình ảnh quen thuộc là các khu vui chơi, điểm du lịch, nhà hàng ăn uống, sân bay, nhà ga… chật kín người trong dịp nghỉ lễ.
Nhưng năm nay, cả nước đang trong tâm thế phòng dịch COVID-19 hết sức nghiêm ngặt. Nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thậm chí thêm các giải pháp siết chặt hơn nữa. Không có du lịch mà là “ai ở đâu thì ở đó”. Không có giao lưu liên hoan mà thậm chí như ở Thành phố Hồ Chí Minh còn là “đi chợ hộ” với những nhu cầu tối thiểu, khuyến khích lối sống tối giản để chung tay cùng chính quyền các cấp chống dịch. Không cần phải nhìn vào con số thống kê về số bệnh nhân mắc mới và tử vong, những thay đổi nêu trên cũng cho chúng ta thấy đất nước đang căng mình trong một cuộc chiến cam go, khốc liệt để chống lại dịch bệnh. Chính vì thế, ngày Quốc khánh không còn là dịp vui chơi mà nổi bật trở lại với ý nghĩa ngày thể hiện lòng yêu nước.
Cách đây 76 năm, ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhà nước công nông đầu tiên ở đông nam châu Á, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đó, ngày 2/9 là ngày lễ lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày Quốc khánh được tổ chức tùy theo từng hoàn cảnh và đặc biệt là ngay cả trong lao tù của đế quốc, thực dân, các chiến sỹ cách mạng vẫn tổ chức kỷ niệm để cổ vũ động viên tinh thần yêu nước bất chấp kẻ thù tìm mọi cách ngăn cản. Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, ngày Quốc khánh trở lại với không khí hội hè vốn có và được gọi với cái tên dân dã là “ăn Tết Độc lập”.
Năm nay, vào dịp lễ lớn của dân tộc, đội ngũ nhân viên y tế - những “chiến sĩ áo trắng” vẫn đang ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19, hàng đoàn y, bác sĩ từ khắp mọi miền vẫn tiếp tục lên đường chi viện cho các vùng tâm dịch. Lực lượng quân đội, công an đã được tăng cường về miền Nam tham gia chống dịch, hỗ trợ chăm lo đời sống nhân dân trong những ngày khó khăn. Cùng với đó là các lực lượng thanh niên tình nguyện, phụ nữ, cựu chiến binh, dân quân, các tổ COVID cộng đồng… cũng đang kề vai sát cánh để bảo vệ những “vùng xanh”, thu hẹp những “vùng đỏ”. Nhiều tổ chức, cá nhân, các nhóm thiện nguyện cũng đã đóng góp công sức, tiền của vào việc ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch và giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do bị phong tỏa, cách ly.
Không chỉ tham gia trực tiếp chống dịch, mỗi người đều có những cách thức thể hiện lòng yêu nước khác nhau. Người lao động chăm chỉ làm việc trên các nhà máy, công trường đảm bảo yêu cầu phòng dịch để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ cũng là yêu nước. Không được biểu diễn trước khán giả, các nghệ sĩ tổ chức các chương trình nghệ thuật phát sóng qua hình thức trực tuyến, truyền hình, phát thanh để cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân. Và với mỗi người, ở yên tại nhà cũng là yêu nước. Với mỗi “công dân mạng”, lan truyền thông tin tích cực, không chia sẻ thông tin sai trái để góp phần chống dịch cũng là yêu nước. Khi mỗi gia đình trở thành một “pháo đài” yêu nước thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng COVID-19.
Theo Tin tức