Ngày 27/3/1948, trong bối cảnh đất nước đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức của những năm tháng đầu cuộc kháng chiến kiến quốc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về phát động phong trào thi đua ái quốc.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chỉ rõ: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi nguồn và mở ra một phong trào hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng.
Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng, để xây dựng, kiến thiết đất nước, mà còn góp phần cải tạo tư tưởng, xây dựng nhân cách cao đẹp cho mỗi con người chúng ta, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Sưu tầm
Ghi nhớ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, những năm qua, mỗi người dân Việt Nam đã phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xung kích trong phát triển kinh tế; năng động, nhạy bén, sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Những phong trào thi đua như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh”; “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (Cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” (Công an).. đang phát huy cao độ lòng yêu nước của con người Việt Nam, góp phần tạo ra những thành quả to lớn, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. “Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam!”.
Vừa qua, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, để hiện thực hóa những mục tiêu mà Đại hội đã quyết nghị, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước mắt là thi đua lao động, đoàn kết sáng tạo để chiến thắng đại dịch Covid-19, nghiên cứu sớm sản xuất được vắcxin phòng, chống dịch, khôi phục phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận cho bác Nguyễn Mạnh Tường, 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, để tạo ra bước phát triển mới, đòi hỏi phong trào thi đua yêu nước phải được nhận thức và tiến hành theo phương thức mới.
Trước hết, đó là nhận thức và hành động tự giác của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng để xây dựng những phong trào thi đua thực chất, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao và chủ đề công tác hằng năm, mang lại giá trị và hiệu quả cao trong công việc.
Thứ hai, thi đua phải là hành động thường xuyên, liên tục trong mỗi công việc, việc làm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, cộng đồng, không chỉ là những hành động trong mỗi đợt phát động thi đua. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, bất kỳ công việc gì ích nước, lợi nhà đều có thể và cần phải thi đua. Thi đua ở mọi công việc, mọi lĩnh vực, trong lao động sản xuất cũng như trong đời sống xã hội và được tổ chức thành các phong trào thường xuyên, liên tục.
Thứ ba, thi đua phải có tính mục đích. Mục đích thi đua phải gắn liền với các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng đất nước, phù hợp với khả năng thực tế trong từng thời kỳ để nâng cao từng bước một cách tích cực.
Sau khi đã xác định mục đích thi đua, bất kỳ phong trào thi đua nào cũng phải xác định mục tiêu, kế hoạch phấn đấu một cách cụ thể, khoa học, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Kế hoạch đề ra phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, khả năng có thể đạt được để động viên mọi người phấn đấu vươn lên. Kế hoạch phải được quần chúng tham gia xây dựng đóng góp ý kiến một cách dân chủ, có biện pháp thiết thực, tích cực. Các biện pháp đề ra phải đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia phong trào thi đua.
Thứ tư, thi đua phải có sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo tính định hướng, phù hợp với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của dân tộc. Ngày nay, thi đua yêu nước là phấn đấu phấn đấu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, phải khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”. Phải khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời để khuyến khích mọi người hăng hái tham gia phong trào thi đua, phấn đấu làm tròn nhiệm vụ được giao.
Trong thời kỳ hiện nay, thi đua ái quốc là ra sức học tập, lao động sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Và hơn hết, thi đua phải hướng đến thực hiện mục tiêu “năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, vì hạnh phúc của nhân dân lao động./.
Quang Đặng