Sáu là, phát triển không gian biển
Phạm vi không gian biển bao gồm vùng đất ven biển, các đảo, các quần đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam. Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển. Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển. Hình thành các cụm kinh tế biển đa ngành gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh.
Vùng biển được phân thành các vùng chức năng về bảo vệ, bảo tồn, phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và quản lý sử dụng theo các vùng cấm khai thác, khai thác có điều kiện, khuyến khích phát triển đối với các ngành kinh tế biển và vùng cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.
Định hướng theo các vùng biển và ven biển: phát triển các vùng biển và ven biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái; hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển hành lang giao thông đường bộ ven biển, chuỗi đô thị ven biển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, làm cơ sở phát triển các hoạt động kinh tế biển.
- Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình): tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; phát triển thành phố Hải Phòng có công nghiệp hiện đại, trung tâm về dịch vụ logistics và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ biển. Phát triển một số ngành công nghiệp biển có lợi thế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển;
- Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển. Khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển. Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp;
- Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ: tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí. Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao;
- Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ: tập trung xây dựng phát triển thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế. Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá.
Định hướng đối với các đảo và quần đảo: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển bao gồm cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Phát triển các trung tâm hậu cần nghề cá, cảng cá, cảng biển, nơi tránh trú bão, tìm kiếm cứu nạn trên một số đảo. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cho một số đảo trọng điểm, có dân cư sinh sống; khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế; nuôi trồng thủy sản; khai thác hải sản ở những khu vực xa bờ; phát triển du lịch, cảng biển, khai thác hải sản tại các đảo; phát triển tuyến du lịch kết nối đảo với đất liền; trở thành thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bảy là, khai thác và sử dụng vùng trời
Quản lý, giữ vững chủ quyền vùng trời Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Khai thác có hiệu quả và quản lý các vùng thông báo bay Hà Nội và vùng thông báo bay Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.
Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động khai thác, sử dụng vùng trời của các tổ chức, cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật; việc cấp phép chiều cao xây dựng đối với các công trình trên mặt đất phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động bay, hoạt động bình thường của các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Tám là, phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng
Thứ nhất, phát triển nền công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Thứ hai, phát triển khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế. Xây dựng các trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, các hành lang kinh tế.
Thứ ba, phát triển nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với công nghiệp chế biến và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp thông minh nhằm thúc đẩy đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Chín là, phát triển hạ tầng xã hội cấp quốc gia
Thứ nhất, phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của đất nước; đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, địa phương. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng, mở rộng và phân bố hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, đáp ứng nhu cầu xã hội về tiếp cận dịch vụ giáo dục. Phát triển hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh có quy mô phù hợp với nhiệm vụ đào tạo theo từng địa bàn nhằm củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.
Thứ hai, xây dựng, nâng cấp và sắp xếp, phân bố không gian mạng lưới cơ sở y tế phù hợp, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi đối với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Thứ ba, phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gắn với việc hình thành, phát triển các không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội.
Thứ tư, phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đầu tư trọng điểm để phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Thứ năm, tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của các Bộ, ngành trung ương theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng.
Thứ sáu, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công về trợ giúp xã hội tại cơ sở của các nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội.
Thứ bảy, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công.
Mười là, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia
Thứ nhất, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên cơ sở phát huy ưu thế của các phương thức vận tải, bảo đảm kết nối rộng khắp tới mọi địa bàn lãnh thổ đất nước, giảm thiểu chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, đường thủy nội địa. Định hướng tổ chức không gian hệ thống giao thông quốc gia: hình thành các hành lang trục dọc quốc gia Bắc - Nam với đủ 5 phương thức vận tải.
Định hướng phát triển của các loại hình kết cấu hạ tầng giao thông:
- Đường bộ: hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.
- Đường sắt: phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đường sắt vùng; đường sắt kết nối với cảng biển, cửa ngõ quốc tế, các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;….
- Cảng biển: nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh).
- Cảng hàng không: xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực. Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 92 - 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.
- Đường thủy nội địa: đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến sông chính để vận tải hàng hóa, container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên các tuyến đường thuỷ nội địa tại vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, phát triển hạ tầng năng lượng đáp ứng yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch. Tăng cường hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Thứ ba, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ và liên kết chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ số tiên tiến; có khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông tin cậy với giá cả phù hợp; bảo đảm an toàn thông tin mạng; đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thứ tư, phát triển hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu, cấp, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển các trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
Thứ sáu, xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại theo hướng tự động hóa cao, bảo đảm tính mở, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; tham gia vào mạng lưới khí tượng thủy văn toàn cầu.
Thứ bảy, phát triển hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện của từng vùng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của Nhân dân.
Thứ tám, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị và ngoại giao với các nước, gắn kết với định hướng phát triển theo vùng, theo các vành đai và hành lang kinh tế.
Mười một là, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu
* Định hướng sử dụng tài nguyên
- Tài nguyên nước: chủ động, ưu tiên và bảo đảm nguồn nước về trữ lượng và chất lượng cấp cho sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước cung cấp cho đô thị, nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư ở đô thị đạt 95 - 100%, ở nông thôn đạt 65% vào năm 2030.
- Tài nguyên thủy sản: giảm dần mức độ khai thác bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Khai thác có chọn lọc các loại thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập và ổn định sinh kế cho ngư dân. Chuyển đổi cơ cấu nghề, khai thác hợp lý giữa các vùng biển, vùng sinh thái nội địa.
- Tài nguyên rừng: quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tài nguyên khoáng sản: cơ bản hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản trên phần đất liền; điều tra, phát hiện khoáng sản tại các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Điều tra, thăm dò các loại khoáng sản công nghiệp, tập trung thăm dò các khu vực có triển vọng cao, các khoáng sản quan trọng và khoáng sản có tiềm năng trữ lượng lớn phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến.
*Định hướng về bảo vệ môi trường
Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả tổng hợp sử dụng đầu vào, đầu ra của các quá trình sản xuất. Bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp các hoạt động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.
* Phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
Chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Mười hai là, củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia
Thứ nhất, củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm.
Thứ ba, xây dựng đồng bộ hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mười ba là, sử dụng đất quốc gia
Thứ nhất, việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia, tạo bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới.
Thứ ba, quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha.
Thứ tư, quản lý chặt chẽ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, bảo vệ diện tích và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển và nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là rừng trồng gỗ lớn.
Thứ năm, mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế.
Theo:
(1). Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
(2). theo Hướng dẫn số 103-HD/BTGTW tuyên truyền về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
PD