GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá năm 2022, chúng ta chứng kiến dòng vốn FDI toàn cầu chảy mạnh vào Việt Nam, đáng chú ý là tín hiệu sáng về FDI chất lượng cao của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong việc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất. Tín hiệu lạc quan này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023.
Ông có nhận định gì về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2023, trong bối cảnh mà kinh tế toàn cầu vẫn còn khá u ám?
- Điều đầu tiên mà tôi muốn nói đến là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới rất quan tâm tới Việt Nam. Không chỉ Apple, mà Micrsoft – khi tỷ phú Bill Gates dù dành khá nhiều tài sản để làm từ thiện nhưng vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và sẽ dành nguồn lực để đầu tư vào nước ta.
Cùng với đó là những "ông lớn" khác như Foxconn, hay đặc biệt là Intel đầu tư và hợp tác với nhiều công ty công nghệ của Mỹ để đầu tư làm nhà máy sản xuất chất bán dẫn giống như ở Israel, Mỹ.
Tại TP.HCM, Tập đoàn Intel đã có giấy phép đầu tư 1,2 tỷ USD làm chip bán dẫn nguồn, họ cho biết là đây là nhà máy thứ 3 (ngoài Scotland và Israel) của Intel trên toàn cầu và dự kiến vào năm 2030 sẽ cung cấp 20% chip bán dẫn cho thế giới.
Tôi đánh giá thị trường sản xuất thiết bị chất bán dẫn ở Việt Nam sẽ rất sôi động trong năm 2023. Năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm bán dẫn nguồn mà thế giới cần được sản xuất ở Việt Nam và cung cấp ra thị trường thế giới.
Tôi cũng dẫn chứng một bài báo của Pháp nói về Việt Nam là: Hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào gia công số và phần mềm. Họ nhấn mạnh Việt Nam đủ điều kiện để chuyển đổi số và hạ tầng.
Tương tự, Samsung đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, LG cũng rót thêm 1 tỷ USD. Cùng với đó, Ban quản lý khu công nghiệp của Hà Nội cấp phép cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sản xuất linh kiện cho Boeing, linh kiện tàu thuỷ, shinkansen, họ bắt đầu xây dựng và phát triển doanh nghiệp hỗ trợ lớn tại Việt Nam…
Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, nhưng một trong những lo ngại mà thời gian qua chúng ta đã nói nhiều là chuyển giá. Số liệu Bộ Tài chính công bố mới đây cũng cho thấy năm 2021 có tới 55% số doanh nghiệp FDI báo lỗ, tăng 11% so với năm 2020?
- Tôi cho rằng để biết rõ doanh nghiệp FDI có chuyển giá hay không thì cần phải phân tích, đánh giá cụ thể chứ không thể đánh đồng rằng tất cả doanh nghiệp báo lỗ là chuyển giá.
Chúng ta đều biết rằng thời gian qua do tác động của dịch COVID-19, xung đột địa chính trị trên thế giới… nên nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn khó. Ở Việt Nam, không chỉ khối ngoại mà các doanh nghiệp nội cũng đang chật vật trong những ngày cuối năm 2022 khi mà đơn hàng sụt giảm, mất thanh khoản.
Do vậy, cần có phân tích đầy đủ bao nhiêu doanh nghiệp FDI lỗ do điều kiện khách quan khó khăn, chứ không phải dùng chiêu trò để chuyển giá.
Tất nhiên, tôi cũng không phủ nhận một thực tế là vẫn còn một số doanh nghiệp FDI chuyển giá, lợi dụng sơ hở luật pháp, hạch toán lỗ nhưng trên thực tế là có lãi.
Vậy, giải pháp gì để ngăn chặn điều này, thưa ông?
- Thực trạng này không hề mới mà chúng ta đã phát hiện cách đây 20 năm. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã làm đủ mọi cách từ kiểm tra, giám sát, xử phạt khi phát hiện chuyển giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng có 3 vấn đề mà chúng ta chưa làm được.
Thứ nhất để biết được một doanh nghiệp FDI có chuyển giá hay không thì phải nắm thông tin rằng mặt hàng mà doanh nghiệp này sản xuất trên thế giới trong thời kỳ đó người ta kinh doanh thế nào. Để làm được điều này cần nguồn ngân sách rất lớn để mua dữ liệu về thị trường thế giới - một thị trường vô cùng rộng lớn.
Thứ hai, chúng ta phải liên hệ với loạt các quốc gia bên cạnh, ngay trong ASEAN, hợp tác trao đổi thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu giữa hải quan và cơ quan thuế để nắm rõ con số, giá cả lên xuống thông qua hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu.
Và cuối cùng trong nội bộ của Việt Nam, cơ quan thuế cần có hệ thống hóa đơn điện tử, hạch toán trên máy tính. Ngành thuế phải công khai, minh bạch, không có chuyện tiếp tay cho người trốn thuế. Đây là câu chuyện trong năm 2021, 2022 có tiến bộ đáng kể, nhưng hệ thống quản lý thuế cần cải cách hơn nữa để đạt chuẩn mực quốc tế trong hạch toán về thuế. Như vậy mới chống chuyển giá, chống thất thu thuế.
Xin cảm ơn ông!
Theo VNBusiness