Những năm cuối thế kỷ 20, khái niệm "những con hổ châu Á" được nhắc đến để chỉ Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan - những thành phố, quốc gia từng khiến thế giới phải trầm trồ bởi tăng trưởng nhảy vọt trong giai đoạn 1960-1990.
Nhưng thập kỷ sau đó, một khái niệm mới xuất hiện - "những con hổ mới châu Á" (Asian Tiger Cub Economies). Thuật ngữ này đề cập đến các nước đang phát triển, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, với hy vọng sẽ nối tiếp câu chuyện thần kỳ của "những con hổ châu Á". Khi đó, thế giới cũng chú ý nhiều hơn tới Việt Nam, nhưng không phải đất nước đã đánh bại hai đế quốc lớn, mà tư cách là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất khu vực.
Bốn bước chuyển của kinh tế Việt Nam
Trả lời phỏng vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), TS Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương đánh giá, sự thay đổi của Việt Nam sau Đổi mới có thể gói gọn bằng bốn bước chuyển. Chuyển từ nước thu nhập thấp lên nhóm thu nhập trung bình, chuyển từ nền kinh tế đóng sang một nền kinh tế có độ mở cao, chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ và đặc biệt là chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường.
Một điểm thay đổi lớn khác là giai đoạn trước kinh tế Nhà nước là chủ đạo, thì nay kinh tế tư nhân hiện nay đã được xem là một trong những trọng tâm. Mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết 10, ngày 3/6/2017 đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Báo cáo đánh giá toàn diện Việt Nam năm 2016 của WorldBank nhận xét, từ một trong những nước nghèo nhất cách đây mới chỉ một thế hệ, Việt Nam nổi lên thành quốc gia thu nhập trung bình với một nền kinh tế năng động. Từ chỗ đứng ngoài vòng quay thương mại thế giới khi bắt đầu công cuộc chuyển đổi, Việt Nam ngày nay là quốc gia xuất khẩu đáng gờm và điểm đến lớn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, con đường để có được vị thế như ngày nay trải qua không ít những khủng hoảng.
Trước Đổi mới
Việt Nam, xuất phát điểm là một đất nước bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh, với nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, phụ thuộc vào viện trợ và nông nghiệp. Năm 1966 đến 1975, các khoản vay nợ và viện trợ nước ngoài chiếm hơn 63% ngân sách.
Một thời gian dài vận động theo mô hình "thời chiến" với việc điều phối các khoản viện trợ quy mô lớn đã nuôi dưỡng niềm tin rằng nền kinh tế chỉ huy mới là chìa khóa cho sự phát triển sau chiến tranh. Nhưng khi triển khai, mô hình này lộ rõ nhiều bất cập.
Sự vận động của thị trường trở nên méo mó khi Nhà nước độc quyền các mặt hàng thiết yếu với chính sách bao cấp. Cảnh cấm chợ ngăn sông khiến tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trở nên nặng nề.
Một thực tế khi đó là dân số chủ yếu làm nông nghiệp nhưng cả nước luôn trong tình trạng thiếu lương thực triền miên, nông dân không có lúa thóc, còn công nhân không có sợi để dệt. Năm 1980, thay vì dự kiến dư thừa lương thực với kế hoạch 21 triệu tấn thì Việt Nam phải nhập khẩu lương thực nhiều nhất trong lịch sử: 1,57 triệu tấn. 1976-1980, tốc độ tăng GDP chỉ đạt 1,4%, thậm chí năm 1980 còn -1%, tăng thu nhập chưa tới 0,5%.
Xếp hàng mua rau, củ, quả - loại thực phẩm không cần đến tem phiếu. Ảnh tư liệu: John Ramsden.
Nhưng trong giai đoạn khó khăn ấy, những manh nha về quá trình "phá rào" đã xuất hiện. Chính sách khoán tại Vĩnh Phúc, Nông trường Sông Hậu, đột phá tại Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội cho tới việc xuất khẩu qua phao số 0 của TP HCM giai đoạn 1979-1980 đặt những viên gạch đầu tiên cho một giai đoạn mới. Đại hội VI diễn ra tại Hà Nội với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật" đã quyết định: Đổi mới.
"Đổi mới" những ngày mùa đông năm 1986 không chỉ là sự hô hào, mà là sự thay đổi từ tư duy cho tới hành động.
Năm 1987, Chính phủ bãi bỏ hệ thống phân phối nhiều hàng hóa, nâng giá điều hành hàng hóa thiết yếu, tự do hóa thương mại, bỏ các trạm kiểm soát nội thương. Ba năm tiếp theo, lần lượt Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Đất đai, Luật Thuế xuất nhập khẩu và đặc biệt là Luật Công ty, Doanh nghiệp tư nhân, cùng Pháp lệnh ngân hàng thương mại năm 1990 đã tạo ra những chuyển biến lớn.
Tăng trưởng kinh tế của thời kỳ 1992-1997 cao gấp hơn hai lần giai đoạn 1977-1991. GDP tăng gấp đôi sau 10 năm Đổi mới, lạm phát giảm về dưới 10% những năm đầu thập niên 90. Năm 1996, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD.
Những cuộc khủng hoảng sau Đổi mới
Mở cửa nền kinh tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi thương mại toàn cầu cũng là lúc nền kinh tế phải chịu ảnh hưởng từ những cuộc khủng hoảng.
Mở đầu là cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, khi Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập.
Tăng trưởng kinh tế từ mức cao trong thời kỳ 1995-1997 đã giảm về dưới 5% năm 1999. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 10 tỷ USD năm 1996 giảm một nửa vào năm 1998 và còn chưa tới 3 tỷ USD năm 1999.
Tuy nhiên, giới phân tích khi đó cho rằng Việt Nam cũng có phần "may mắn" khi độ mở của kinh tế chưa thực sự cao, quy mô xuất khẩu so với GDP mới đạt 30%.
Không bị hút quá sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, thực tế, cũng mang lại cơ hội. Tăng trưởng kinh tế tăng dần trở lại những năm đầu thế kỷ 21, đạt trung bình 7,63% mỗi năm giai đoạn 2000-2007.
Những Hiệp định thương mại được ký trong giai đoạn 1986 - 2010.
Vị thế của đất nước sang trạng thái mở cửa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, ký các hiệp định thương mại, tiếp cận thị trường với Mỹ, EU. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh với FDI trung bình giai đoạn này gần 13 tỷ USD, độ mở của nền kinh tế lên tới 160%.
Đến khi thị trường chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đang ở giai đoạn cao trào, nền kinh tế lại gặp khủng hoảng.
Khác với cuộckhủng hoảng tài chính năm 1997 chỉ ở châu Á, quy mô đợt khủng hoảng năm 2008 ở mức toàn cầu, bắt đầu từ lĩnh vực ngân hàng - được ví như mạch máu của nền kinh tế. Tác động của đợt khủng hoảng đến Việt Nam cũng ở quy mô hoàn toàn khác.
Những tồn tại sau quá trình tăng nhanh, như tình trạng sở hữu chéo, "cục máu đông" nợ xấu của ngành ngân hàng, tình trạng bong bóng tài sản với chứng khoán, bất động sản, nền kinh tế phục thuộc vào thâm hụt thương mại, đầu tư dần bộc lộ.
VN-Index mất hơn 70%, thị trường bất động sản chuyển sang trạng thái đóng băng, ngành ngân hàng phải bước vào giai đoạn tái cơ cấu quyết liệt. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên sau 6 năm Luật Doanh nghiệp ra đời.
Một vấn đề cũng làm đau đầu nhà quản lý trong giai đoạn này là kiểm soát lạm phát, sau giai đoạn quá ưu tiên cho tăng trưởng và tình trạng thâm hụt thương mại. Đỉnh điểm năm 2008, lạm phát lên tới gần 20% và duy trì ở hai con số năm 2010 và 2011. Giai đoạn này, nhiều tổ chức quốc tế đều bày tỏ mối quan ngại lạm phát cao làm xấu đi môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ảnh hưởng đến giá trị tiền đồng.
Từ năm 2012, Chính phủ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và luôn đặt mục tiêu ổn định vĩ mô lên hàng đầu. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm về một con số, song kèm theo đó là những hệ quả.
Suy thoái kinh tế, thắt chặt đầu tư công để kiểm soát lạm phát dẫn tới tỷ lệ đầu tư trên GDP liên tục suy giảm 3 năm qua, xuống dưới 30% GDP trong nửa đầu năm 2013 so với mức trên 40% GDP trước đó. Khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm sút trong những năm kinh tế thế giới biến động. Từ mức gần 72 tỷ USD năm 2008, trung bình giai đoạn 2012-2013 chỉ còn khoảng 13 tỷ USD.
Thực tế này được xem là nét mờ với bức tranh kinh tế Việt Nam khi đó, vốn nhiều năm chỉ tăng trưởng dựa vào đầu tư.
Sau đó, bước ra khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008, kinh tế Việt Nam đã tiến thêm một bước dài. Sự "thay da đổi thịt" được biểu hiện bằng tốc độ tăng trưởng trở lại ngưỡng 7%, những toà nhà chọc trời tại Hà Nội, TP HCM, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng liên tục và số doanh nghiệp mới lập kỷ lục.
Đến cuối năm 2019, quy mô GDP Việt Nam đạt hơn 260 tỷ USD, gấp 10 lần so với năm 1986 - mốc Đổi mới. Số lượng doanh nghiệp tiến gần với mục tiêu 1 triệu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 520 tỷ USD, với độ mở nền kinh tế ở ngưỡng 200%.
Đầu năm nay, kinh tế tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng thứ ba sau Đổi mới là đại dịch Covid-19.
Giới phân tích dự báo Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi như cuộc khủng hoảng trước, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khiến một nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam chịu nhiều thách thức. Tăng trưởng GDP dự báo xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Sức chống chịu của của bộ phận kinh tế tư nhân, với 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không cao sẽ ảnh hưởng tới người lao động, tỷ lệ thất nghiệp và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, khác với cách đây hơn thập kỷ, nội tại của kinh tế, ngành tài chính đã vững vàng hơn. Đại dịch mang lại thách thức những cũng kèm theo cơ hội. Cơ hội để tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi, tiếp cận những thị trường mới, cơ hội để đón dòng vốn đầu tư...
Báo cáo "The World in 2050" của PwC dự báo Việt Nam, cùng Ấn Độ và Bangladesh sẽ là ba nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2016 - 2050, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 5%. Theo PwC, lợi thế của Việt Nam là hưởng lợi từ dân số trẻ và tăng nhanh, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản lượng trong nước.
Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới giai đoạn 2016-2050. Ảnh: PwC.
Đến năm 2050, kinh tế Việt Nam sẽ tăng 12 bậc so với hiện tại, đứng trong nhóm 20 nước có quy mô kinh tế lớn nhất, xếp trên cả Italy, Canada, Maylaysia và Thái Lan.
"Việt Nam có tất cả yếu tố để tăng trưởng nhanh chóng. Rất có thể quốc gia này sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á", Vikram Nehru, lãnh đạo cấp cao phụ trách châu Á và Đông Nam Á tại Carnegie Endowment for International Peace, nói trên Bloomberg.
Để đạt được điều này, Việt Nam được khuyến nghị tăng trưởng cần được hỗ trợ bởi cải cách kinh tế bền vững, tăng cường các thể chế, nền tảng kinh tế vĩ mô và quan trọng là giáo dục đại chúng./.
Theo VNeconomy