Câu hỏi: Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới để thúc đẩy kinh tế tập thể, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Xin cho biết về 8 nhóm giải pháp đó.
Trả lời:
Sáng 15/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng nêu rõ, hợp tác xã ở nước ta đã được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các hợp tác xã đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn và quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể đã cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển. Để khu vực kinh tế này phát huy được dư địa, tiềm năng, triển vọng phát triển còn rất lớn, dẫn dắt các hộ cá thể nhỏ lẻ khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh manh mún, chia cắt, tự phát, đi con đường chính ngạch, vào thị trường khó tính, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, cụ thể là:
Một là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam.
Hai là, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Bốn là, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công-tư.
Năm là, xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Sáu là, tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm.
Bảy là, tăng cường liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và thế mạnh từng vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng sản phẩm, quy mô, thị trường,…
Tám là, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Phương Dung theo Báo điện tử Chính phủ