Âm mưu chống phá cơ bản và lâu dài của các thế lực thù địch là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận nhằm đưa ý thức hệ tư sản thâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống tinh thần của nhân dân ta, tiến tới xoay chuyển quỹ đạo phát triển của Việt Nam đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là âm mưu nguy hiểm, thâm độc liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Để thực hiện âm mưu trên, các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn chống phá khác nhau như:
- Tiến hành phân rã về tư tưởng, lý luận bằng cách đan cài những quan điểm mácxít và giả danh mácxít, đúng và sai lẫn lộn, làm cho người đọc mất phương hướng, không phân biệt được đúng - sai, thiện - ác; móc nối, xâm nhập vào nội bộ của Đảng, tìm cách phân hóa tổ chức để tìm ra “ngọn cờ” tập hợp lực lượng.
- Phát tán tài liệu có nội dung sai trái, viết thư xuyên tạc về tình hình thực tế của Việt Nam gửi các tổ chức quốc tế; trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài xuyên tạc về tình hình Việt Nam, cổ xúy cho đấu tranh tự do; điều trần về tình hình tự do kiểu phương Tây; giới thiệu sách, báo, hồi ký, phát tán các video clip có nội dung xấu, độc nhằm xuyên tạc tình hình chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
- Kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam, gây sức ép với Việt Nam, kích động nhân dân, nhất là giáo dân đấu tranh đòi “tự do”, “dân chủ”; gây dựng nhiều tổ chức như: Tổ chức phản động “Việt Tân”, Đảng Đại Việt ở nước ngoài câu kết với một số linh mục phản động; mạng lưới blogger Việt Nam, Liên đoàn Quốc tế vì nhân quyền (FIDH), một số nhân vật cực hữu trong Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, các nhân vật cực hữu trong các chính phủ một số nước; các đài phát thanh VOA, BBC, RFI... để chống phá cách mạng Việt Nam.
- Tạo lập các website, blog, facebook, fanpage giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đăng tải thông tin xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội; xuyên tạc về bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, đăng tải thông tin xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
- Khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu, độc; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tác động đến tư tưởng, đạo đức và lối sống, tâm tư, tình cảm của các giai tầng xã hội.
- Kích động chống đối thông qua các hội, nhóm, tài khoản trên mạng xã hội, kích động những vấn đề liên quan đến các sơ hở, sai phạm và bức xúc xã hội. Lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cũng như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để gây dao động về tư tưởng, gây mất lòng tin, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
- Lấy ý kiến qua mạng xã hội nhằm tạo áp lực dư luận, gây áp lực đối với chính quyền. Một số phần tử cơ hội trong nước và ở nước ngoài đã soạn thảo các văn bản dưới dạng “tâm thư”, “thư ngỏ”, “thư góp ý” (cả chính danh, nặc danh và mạo danh) để thể hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước rồi gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bằng các câu từ có tính thuyết phục mà thoáng qua người ta dễ lầm tưởng đó là những “ý kiến tâm huyết”, “những đóng góp chân thành”, các đối tượng dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin, kích động, gây áp lực, gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.
- Sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Từ không gian mạng, các đối tượng phản động hướng dẫn cách thức chế tạo chất nổ, vũ khí, cách thức tiến hành khủng bố, phá hoại, gây rối an ninh, biểu tình, phát trực tiếp (livestream) các vụ việc nhạy cảm, tụ tập biểu tình, khiếu kiện đông người... để kêu gọi cộng đồng mạng và những đối tượng cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ, tạo điểm nóng./.
PV