Trải qua năm 2020 đại dịch đầy biến động, Việt Nam đã phát huy được sức mạnh cũng như khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế trên nhiều cương vị khác nhau, từ Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPO/AIPA đến Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong việc kiểm soát đại dịch, chủ động thích ứng và đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển chung trong khu vực và trên toàn Thế giới, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia.
Bước sang năm 2021, thế giới vẫn đang đối mặt với ba khuynh hướng – bốn đặc thù hứa hẹn mang tới những thay đổi sâu sắc về an ninh, chính trị và kinh tế thương mại trên bình diện quốc tế. Sau thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Việt Nam cần xác định rõ bối cảnh quốc tế mới để có những hoạch định chiến lược phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
Ba khuynh hướng
Ba khuynh hướng sẽ tái định hình căn bản quan hệ quốc tế, ảnh hưởng sâu sắc tới các quan hệ song phương và đa phương cũng như đem tới những thay đổi căn bản về dòng vốn đầu tư, chuỗi giá trị và thương mại quốc tế bao gồm:
Thứ nhất, đại dịch Covid-19, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đang làm bộc lộ khiếm khuyết của nhiều nền kinh tế và thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa đối tác và tăng tốc tái cấu trúc chuỗi cung cung ứng. Covid-19 cũng như một hồi chuông giục giã, thúc đẩy các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng như hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt ở các lĩnh vực căn cốt của nền kinh tế như sản xuất nhu yếu phẩm, thực phẩm, y tế,… Về mặt chính trị, dịch Covid-19 khiến cho nhiều quốc gia rơi vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh, đồng thời gây ra những sự chia rẽ trong nội bộ đất nước, với Mỹ là một ví dụ nổi bật. Về mặt an ninh, việc xác định trách nhiệm làm bùng phát dịch bệnh vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nước phương Tây với Trung Quốc, làm tăng nguy cơ bất ổn trong hoạt động ngoại giao quốc tế thời gian tới.
Thứ hai, quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, xoay quanh các xung đột liên quan tới việc bảo hộ thương mại, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; đã và đang tạo ra hai thế cực rõ rệt và tái định hình trục quan hệ giữa hai nước, đặc biệt, trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư làm cho cán cân thương mại giữa hai nước xảy ra nhiều bất ổn. Những đối tác thân cận với Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản hay các quốc gia Đông Nam Á liên tục trở thành những quân cờ đầy mạo hiểm trên bàn cờ với Trung Quốc khi hai bên liên tục ở thế giằng co về các vấn đề liên quan tới kinh tế, thương mại, an ninh và chính trị tại Biển Đông.
Thứ ba, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã mang đến những tác động đáng kể cho tầm nhìn chiến lược quan hệ quốc tế. CMCN 4.0 giúp các quốc gia có cơ hội thay đổi cơ bản cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch sang hướng ứng dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu trên toàn thế giới về dữ liệu lớn, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Cơ cấu việc làm ở mỗi quốc gia sẽ chịu nhiều thách thức khi lao động có trình độ thấp, tay nghề thấp sẽ dễ bị thay thế bằng máy móc; an sinh xã hội chịu nhiều biến động khi sự phân hoá giàu nghèo có thể gia tăng mạnh. Song song với đó, cuộc chạy đua CMCN 4.0 cũng sẽ giúp định hình vị thể đặc thù giữa các quốc gia có khả năng làm chủ được công nghệ và bảo đảm an ninh mạng, an toàn dữ liệu với các quốc gia có hạ tầng cơ sở không đáp ứng được nhu cầu thay đổi.
Bốn đặc thù
Ngoài việc đón nhận những khuynh hướng kể trên, thế giới cũng xuất hiện bốn yếu tố chính ảnh hưởng tới đặc thù địa chính trị trong bức tranh quan hệ quốc tế năm 2021.
Đầu tiên, phải kể đến việc thỏa thuận thương mại USMCA có hiệu lực trong năm 2020 giữa ba nước Mỹ, Canada và Mexico. Mặc dù USMCA là phiên bản mới của NAFTA song nhìn chung, hai phiên bản này không có sự khác biệt lớn về nội hàm. Việc đàm phán lại NAFTA và thông qua USMCA thực chất thể hiện một quan điểm, cách tiếp cận mới đặc thù của chính quyền Tổng thống Trump đối với quan hệ và thương mại quốc tế, kể cả với chính các nước đồng minh thân cận nhất. Với truyền thống tôn trọng và kế thừa của chính trị Mỹ, điều này sẽ khó có thể bị đảo ngược trong năm 2021 và những năm kế tiếp. Theo đó, việc các nước Tây Âu sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về cán cân thương mại với Mỹ, đóng góp nhiều hơn trong việc gìn giữ hoà bình khu vực và thế giới, đồng thời phải thể hiện sự ủng hộ Mỹ mạnh mẽ, rõ ràng hơn trên bàn đàm phán đa phương là điều mà Mỹ hướng tới, thậm chí Mỹ cũng kì vọng cả các nước Đông Á cũng có lập trường này.
Bên cạnh đó, việc nước Anh phải thiết lập một thể chế riêng hậu Brexit cũng là một đặc thù quốc tế cần nghiên cứu kỹ, có khả năng tạo ra những lỗ hổng thương mại và rào cản mới trong tương lai và gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính và lao động – việc làm toàn cầu. Mặc dù Anh và EU đã đạt được sự thỏa thuận thương mại hậu Brexit nhưng những ảnh hưởng về kinh tế, an ninh và chính trị vẫn chưa thực sự rõ ràng. Đặc biệt, nước Anh sẽ phải tiến hành đàm phán lại khoảng hơn 750 hiệp ước quốc tế với hơn 120 nước ngoài khối EU, và UKVFT – Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - UK –là một phần trong số đó.
Đặc thù quốc tế 2021 thứ ba là “Peace to Prosperity”, hay còn được biết đến với cái tên “Tiến trình hòa bình Trung Đông”. Đây là điểm sáng duy nhất trong khu vực Trung Đông năm 2020, nơi luôn được xem là nguồn dự trữ dầu mỏ dồi dào của thế giới, trung tâm tôn giáo cũng như tâm điểm của những xung đột, bất ổn không ngừng. Việc thành công thúc đẩy hiệp ước hòa bình tại khu vực cho thấy Mỹ vẫn đóng vai trò tối quan trọng trong việc tập hợp các lực lượng liên quan, chủ trì các đàm phán và phân phối lợi ích khu vực cho các đồng minh.
Tuy nhiên, câu chuyện Trung Đông cũng đang phát ra những dấu hiệu cảnh báo hệ lụy nguy hiểm trong khu vực khi chính quyền Palestine công khai phản đối thỏa thuận giữa Israel với các quốc gia Ả Rập; trong khi Quốc gia Hồi giáo Iran đang có những động thái tập hợp lực lượng để chống lại sức ép từ Mỹ, Israel và các đồng minh khu vực.
Cuối cùng, khi bản đồ địa-chính trị đang có xu thế dịch dần về khu vực Châu Á, bức tranh quan hệ quốc tế không thể không nhắc đến Trung Quốc. Trong khi ý tưởng TPP nguyên thuỷ của chính quyền cựu Tổng thống Obama là để kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc, đến nay khi Mỹ gần như chối bỏ TPP thì Chủ tịch Tập Cận Bình lại ngỏ ý muốn tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Điều này sẽ xoay chuyển toàn diện cán cân thương mại toàn cầu, gây bất lợi rất lớn cho vị thế của Mỹ cũng như tình hình an ninh – chính trị tại khu vực Đông Á và Biển Đông.
Song song với đó, Hiệp định đối tác toàn diện RCEP cũng đang tạo ra một vị thế chiến lược vững chắc cho Trung Quốc khi Mỹ đang còn nhiều mâu thuẫn nội bộ ở giới cầm quyền và các đồng minh thân thiết với Mỹ như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tham gia. Hiệp định RCEP được coi một bước đi toàn thắng trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc khi lần đầu tiên Bắc Kinh có được sự đồng thuận thương mại với hai đối tác cũng là đối thủ đáng gờm của mình trong khu vực, Tokyo và Seoul.
Nhìn chung, ba khuynh hướng – bốn đặc thù vừa nói trên sẽ làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế giữa các quốc gia trong việc gia tăng sản xuất công nghiệp trong nước, tăng cường phát triển kinh tế nội địa, đẩy mạnh giao thương dịch vụ trong thương mại quốc tế. Từ đó, các dòng vốn đầu tư trong thương mại quốc tế sẽ đi theo hai hướng riêng biệt, một bên sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa và hướng còn lại sẽ tập trung vào việc đa phương hóa – đa dạng hóa ngành nghề. Thị trường lao động sẽ có sự phân hóa rõ ràng về trình độ và kỹ năng nhằm đáp ứng với các điều kiện công nghệ cao và xu hướng hội nhập quốc tế.
Xét về khía cạnh an ninh – chính trị, cùng với những xu thế kinh tế nói trên thì các nước sẽ chú trọng hơn về lợi ích dân tộc và vị thế quốc gia. Hợp tác song phương mang lại cam kết lợi ích lâu dài và bền vững giữa hai quốc gia qua các hiệp định, bản ghi nhớ… cũng sẽ được chú trọng hơn so với các vòng đàm phán đa phương trước kia khi mà lợi ích chung được chia đều tới các thành viên tham gia và gần như không có quá nhiều thay đổi tích cực tới họ. Điều này sẽ gây bất ổn các khu vực vốn dĩ đã căng thẳng (như Trung Đông và Biển Đông), gây khó khăn cho các nước nhỏ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia, thậm chí dẫn đến bất ổn chính trị nội bộ ở các quốc gia này khi giới cầm quyền không thể thích ứng được với các chuyển biến nhanh về kinh tế và quan hệ quốc tế nói trên.
Việt Nam hiện đã xác định xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời tạo ra những động lực phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục các nỗ lực cải thiện, đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng nền tảng cơ sở an ninh – chính trị vững mạnh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Từ bối cảnh thế giới 2021 nói trên và quan điểm phát triển rõ ràng, mạch lạc của Việt Nam, việc Chính phủ Việt Nam hoạch định những chiến lược mới, chính sách mới trong giai đoạn tiếp theo là một nhiệm vụ tối quan trọng. Vai trò và vị thế Việt Nam trên bản đồ địa – chính trị của thế giới sẽ được xác định như thế nào trong 2021 và các năm tiếp theo?./.
Theo VOV.VN