Tổng thống thứ 36 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Lyndon Baines Johnson là một trong số ít chính trị gia đắc cử bốn chức vụ liên bang: hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, phó Tổng thống và Tổng thống. Là vị Tổng thống đầu tiên trực tiếp đưa quân viễn chinh vào Việt Nam, sau đợt 1 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, ngày 31/3/1968, ông đọc bài diễn văn với 3 quyết định quan trọng liên quan đến cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam
Hạn chế ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra
Johnson nói: “Đêm nay, tôi ra lệnh cho các máy bay và tàu bè của hải quân chúng ta không mở các cuộc tiến công vào Bắc Việt Nam, trừ ở vùng phía Bắc khu phi quân sự là nơi mà sự tăng cường binh lực liên tục của địch trực tiếp đe dọa các vị trí tiền tiêu của đồng minh và là nơi các cuộc chuyển quân và đồ tiếp tế rõ ràng là có liên quan đến mối đe dọa đó”[1].
Đây là một sự thừa nhận quyết định ném bom miền Bắc Việt Nam trước đó đã không đạt được mục tiêu đề ra. Ngược lại, lực lượng Hoa Kỳ bị tổn thất, thiệt hại nhiều.
Để cứu vãn nguy cơ thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, tiếp tục thực hiện các mục tiêu đề ra, đặc biệt là ngăn chặn nguồn chi viện to lớn từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam, đầu năm 1965, chính quyền Johnson quyết định thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đồng thời triển khai chiến dịch ném bom Sấm Rền (Rolling Thunder) kéo dài từ ngày 2/3/1965 đến ngày 1/11/1968 đánh phá miền Bắc[2].
Tính đến 31/3/1968, Hoa Kỳ đã phải 14 lần tuyên bố ngừng ném bom, trong đó: 8 lần với hình thức ngừng hoàn toàn (số lần dài nhất 36 ngày, từ ngày 24/12/1965 đến ngày 31/1/1966); 6 lần ngừng trong phạm vi 10 dặm cách trung tâm Hà Nội (số lần dài nhất 88 ngày, từ ngày 3/1 đến ngày 31/3/1968)[3].
Đối mặt với chiến dịch ném bom Sấm Rền của Hoa Kỳ, số lượng nhân, vật lực của hậu phương miền Bắc chi viện miền Nam không hề giảm sút. Đặc biệt, sự kiện Tết Mậu Thân 1968 đã khẳng định thất bại của Mỹ trong thực hiện mục tiêu đề ra và sự thắng thế của Việt Nam. Điều này góp phần lý giải cho quyết định ngừng ném bom của Johnson ngày 31/3/1968.
Jhonson và Westmoreland, kiến trúc sư cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1965-1968 (Ảnh tư liệu)
Đề nghị đàm phán để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh
Đây là quyết định không dễ dàng với Johnson.
Tính đến đầu năm 1968, Hoa Kỳ đã đưa quân chiến đấu trực tiếp vào miền Nam Việt Nam ba năm và ném bom, bắn phá miền Bắc dữ dội, nhưng sức mạnh của Mỹ, Việt Nam Cộng hoà không hề tăng lên, không buộc được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) phải đàm phán theo những điều kiện của Mỹ.
Trái lại, VNDCCH đưa ra điều kiện Hoa Kỳ phải ngừng ném bom mới chấp nhận đàm phán. Cục diện cuộc chiến phát triển theo hướng bất lợi cho Mỹ. Johnson nhận ra ông đang thực sự sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến này đang làm chia rẽ sâu sắc nội bộ Chính quyền Whashington, nhiều chính khách Mỹ tính tới một giải pháp hòa bình để kết thúc chiến tranh thay vì tiếp tục chiến tranh, tiếp tục đưa quân sang Việt Nam, hay tiếp tục ném bom miền Bắc Việt Nam.
Phiên họp ngày 18/3/1968 của Hạ viện Hoa Kỳ có 139 nghị sĩ, trong đó có 89 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa và 41 nghị sĩ đảng Dân chủ của Johnson ra Nghị quyết yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ xét duyệt lại toàn bộ chính sách và chiến lược ở miền Nam Việt Nam. Sức ép dư luận, nhân dân Hoa Kỳ khiến Johnson không thể tăng quân theo đề nghị của Tướng Westmoreland, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đưa ông rơi vào tình trạng nguy khốn về chính trị. Thế nên lựa chọn tối ưu, cần làm và khôn ngoan của Johnson lúc này là tìm kiếm cơ hội đàm phán để giải quyết vấn đề Việt Nam.
Thực trạng trên đủ sức nặng để Johnson bỏ qua lòng kiêu hãnh của bản thân, quan điểm của một đại cường quốc, chủ động sẵn sàng xuống thang chiến tranh nhằm tìm giải pháp hòa bình. Đúng như ông nói: “Kiểm điểm lại tình hình, một cuộc kiểm điểm trung thực và kỹ càng mà tôi có thể làm được, tôi thấy con đường tôi đã chọn là con đường đưa lại cho đất nước hy vọng tốt nhất để có hòa bình và đoàn kết”[4].
Vì thế, ông khẳng định “đã đến lúc phải bắt đầu lại nói chuyện hòa bình. Tôi sẵn sàng bước đầu tiên để xuống thang chiến tranh” và “Tôi bày tỏ hy vọng là Hà Nội sẽ đáp ứng thái độ kìm chế của chúng ta, để chúng ta thậm chí có thể ngừng cả việc ném bom hạn chế và cả hai bên sẽ ngồi lại nhanh chóng thương lượng hòa bình”[5].
Dư luận tiến bộ Hoa Kỳ biểu tình phản đối chiến tranh, năm 1968 (Ảnh tư liệu)
Quyết định không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai
Trong Hồi ký của mình (bản dịch, tr.218), Johnson khẳng định: “Tôi sẽ không tìm kiếm và tôi sẽ không chấp nhận việc đảng tôi cử tôi vào một nhiệm kỳ tổng thống nữa”.
Một quyết định khó khăn với Tổng thống Johnson như ông thú nhận “Dù quan niệm mạnh mẽ và đơn giản như thế nào đi nữa, khi ta đọc đến dòng cuối cùng (khẳng định ý định không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai - tác giả) mới thấy là phức tạp”[6]. Nhưng là hệ quả tất yếu từ những quyết định trước đó của ông đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Johnson bộc bạch: “Nhìn về phía trước, tôi không thể thấy được cái ngày mà Mỹ có thể rút ra an toàn khỏi toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương... Nhưng tôi có thể thấy được cái ngày mà gánh nặng của chúng ta đối với sự ổn định, hòa bình và tiến bộ của khu vực ấy sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu chúng ta không hành động theo đường lối kiên trì và có tính toán ấy, tôi tin là chúng ta có nguy cơ bị thương vong lớn hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta sẽ gặp phải ở Việt Nam...”[7].
Ông bày tỏ: “Bằng cách không ra tranh cử, tôi đã bày tỏ một nguyện vọng tha thiết là các vấn đề không giải quyết được bây giờ sẽ được quyết định. Tôi muốn Hà Nội biết rằng Lyndon Johnson không sử dụng hành động mới này vì hòa bình là một thủ đoạn giành cái lợi chính trị cho cá nhân mình. Mong rằng bây giờ đây, với bằng chứng hết sức rõ ràng này về lòng thành thật của chúng ta, Bắc Việt Nam sẽ tiến tới đồng ý có cuộc nói chuyện tay đôi - một cuộc liên lạc thực sự phục vụ hòa bình”[8].
Có lẽ với cuộc chiến tranh Việt Nam, Johnson đã thực sự thất vọng, bế tắc, không còn hy vọng vào thắng lợi. Ông hiểu được niềm tin, sự ủng hộ của công chúng Hoa Kỳ đối với ông giảm sút, nội bộ chính quyền của ông chia rẽ sâu sắc, làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam ở Hoa Kỳ ngày càng lên cao, ngân sách chi cho cuộc chiến không ngừng tăng lên và sự giảm sút sức khoẻ nghiêm trọng… trở thành những lý do buộc Johnson đi đến các quyết định khó khăn trên.
Có khá nhiều nguyên nhân, lý do dẫn đến các quyết định trong bài diễn văn của Tổng thống Johnson như chính ông thừa nhận có “nhiều nhân tố đã góp phần hình thành nên các quyết định này” và “có nhiều dây dợ khác nhau đan vào những quyết định cuối cùng mà tôi thông báo ngày 31/3. Các diễn biến quân sự và chính trị ở Việt Nam là những nhân tố quan trọng trong việc hình thành kết quả cuối cùng. Một nhân tố khác là hình thành lực lượng địch (chỉ Việt cộng - tác giả) và hình thái các ý đồ của địch. Còn một nhân tố trên mặt trận ngoại giao, đó là khả năng tiến tới những cuộc nói chuyện có ý nghĩa với Hà Nội. Trạng thái tư tưởng và tinh thần ở mặt trận trong nước của chúng ta (Hoa Kỳ - tác giả) là điều quan trọng nhất”[9]. Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì thì hiển nhiên những quyết định đó là sự thật không dễ chấp nhận với một vị Tổng thống của một đại cường quốc là Hoa Kỳ.
Song những quyết định đó gợi cho chúng ta một vài suy nghĩ: Johnson chịu tác động trực tiếp từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; giữa các quyết định đó có mối quan hệ mật thiết với nhau và đó là lựa chọn khôn ngoan nhất của Johnson lúc đó.
Ba quyết định trên thừa nhận sự thất bại của Johnson trong giải quyết vấn đề Việt Nam nói riêng, điều hành nước Mỹ nói chung; khẳng định sự sa lầy của Mỹ và mọi mục tiêu đề ra không đạt được; Johnson, nước Mỹ thời điểm đó thực sự mong muốn tìm được giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam.
Nam Trang
[1] The Vantage, Hồi ký của Lyndon Baines Johnson, Nxb Weidenfeld and Nicolson ở Luân - đôn, H.1972. Bản dịch của Việt Nam Thông tấn xã, tr.218
[2] Theo tuyên bố ngày 31/12/1967 của Bộ Quốc phòng Mỹ, Mỹ đã ném xuống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 864.000 tấn bom, so với 653.000 tấn bom trong suốt Chiến tranh Triều Tiên và 503.000 tấn bom ném xuống mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai
[3] Hồi ký Johnson, bản dịch, tr.306
[4] Hồi ký Johnson, bản dịch, tr.217
[5] Hồi ký Johnson, bản dịch, tr.218
[6] Hồi ký Johnson, bản dịch, tr.214
[7] Hồi ký Johnson, bản dịch, tr.204,205
[8] Hồi ký Johnson, bản dịch, tr.220
[9] The Vantage, Hồi ký của Lyndon Baines Johnson, Nxb Weidenfeld and Nicolson ở Luân - đôn, H.1972. Bản dịch của Việt Nam Thông tấn xã, tr.135