Theo định hướng của Chính phủ, Chương trình OCOP sẽ tiếp tục là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đây cũng là chương trình mang tính dài hạn nên cần được tập trung đầu tư phát triển vào nhóm những sản phẩm có lợi thế, là đặc trưng của địa phương và gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
Trước yêu cầu ấy, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng thành đề tài khoa học và nhanh chóng triển khai vào thực tiễn; đồng thời, coi đây là một trong những giải pháp để vừa kích cầu du lịch; vừa xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản và nhanh chóng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 95 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên; trong đó, 24 sản phẩm 4 sao; 71 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đều có sự đầu tư công phu về hình thức, chất lượng; có hồ sơ công bố, tiêu chuẩn cơ sở, phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu, kế hoạch giám sát chất lượng, giấy đủ điều kiện sản xuất, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người dân tham quan và mua sắm tại điểm giới thiệu sản phẩm OCPC. Ảnh: BNews
Khá nhiều khách hàng trong nước và quốc tế đã biết đến và đánh giá cao về những sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang như vải thiều nước đường của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (thành phố Bắc Giang); vải thiều đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp, nước ép cam Fully của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu; mỳ Chũ (Lục Ngạn); trà hoa vàng của Hợp tác xã Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (Lục Nam); chè xanh Bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường (Yên Thế); mật ong rừng Tây Yên Tử của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động)...
Ông Nguyễn Văn Ngọc, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho hay, trong số nhiều sản phẩm OCOP được quảng bá và giới thiệu ra thị trường thì thông tin và sản phẩm OCOP đã giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khi có nhu cầu mua hàng về làm quà biếu mỗi dịp đến Bắc Giang.
Hiện nay, đơn vị đang đề xuất trưng bày tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các gian hàng gần hoặc trong khu du lịch trên địa bàn tỉnh, vừa để quảng bá vừa tạo sự đa dạng hàng hóa trong các điểm du lịch. Song song với việc giới thiệu sản phẩm, tỉnh cũng đã triển khai nhiều tour du lịch gắn với sản phẩm OCOP như: du lịch trải nghiệm vườn quả trong mùa cam, bưởi hay tour tham quan các cơ sở sản xuất mỳ Chũ...đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm.
Trên cơ sở đánh giá những tiềm năng, lợi thế, đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển du lịch nông thôn đặc trưng riêng của tỉnh Bắc Giang và xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP quảng bá đến du khách; đồng thời, khuyến khích hình thành đặc sản vùng miền cho mỗi địa phương, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, Chương trình OCOP đã góp phần hoàn thiện nhiều sản phẩm, khơi dậy sự sáng tạo của người dân ở mỗi làng quê.
Hiện nay, cơ quan này đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn. Mục tiêu là nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phát triển du lịch gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu riêng của tỉnh Bắc Giang.
Lục Ngạn là một trong những huyện có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn gắn với cộng đồng tại tỉnh Bắc Giang. Trong những năm qua, huyện Lục Ngạn đã chủ động xây dựng các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút khách du lịch; đặc biệt, với sự tham gia của các hợp tác xã đã kết hợp thành chuỗi các hoạt động du lịch, tham quan trải nghiệm trên địa bàn huyện.
Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (thôn Kép, xã Hồng Giang) - một trong những đơn vị kinh tế hợp tác thành công nhất tại Lục Ngạn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu vải thiều gắn với phát triển du lịch.
Ông Phạm Văn Dũng, đại diện hợp tác xã cho biết, để phục vụ xuất khẩu, 100% diện tích vải thiều của hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Đây là một trong những hướng đi được hợp tác xã quan tâm và tập trung đầu tư hơn nữa trong thời gian tới; thậm chí, tiến tới liên kết với các doanh nghiệp và địa phương khác trong tỉnh để xây dựng thành chuỗi sản xuất nông sản OCOP và xúc tiến các sản phẩm du lịch cho địa phương.
Trong quý II năm 2021, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai dự án Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP sau khi đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học từ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh. Chương trình có phối hợp với các cơ quan như Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang, Hiệp hội du lịch tỉnh Bắc Giang, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Phòng văn hóa của 4 huyện là Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động.
Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp cùng tham gia chương trình bao gồm 1 công ty lữ hành, Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử và Hợp tác xã Thân Trường cùng tham gia phát triển một số tour du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn theo dự án này.
Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang cho biết, dự án hiện đã gửi thông báo mời thầu và đang hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai ngay trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, dự án sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để hình thành các điểm du lịch nông thôn, các tour du lịch và xây dựng các điểm bán hàng OCOP.
Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương theo chương trình này sẽ giúp các bên cùng phát huy lợi thế để phát triển du lịch Bắc Giang. Các địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch.
Sự liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch và sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp cùng địa phương có các sản phẩm nông nghiệp OCOP sẽ tạo nên sự đồng bộ để không chỉ thu hút khách mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, làm tăng thêm sức hấp dẫn, hiệu quả kinh doanh và giá trị thương hiệu sản phẩm của người dân Bắc Giang./.
Theo BNews