Hiện nay, đa số thanh niên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước, tích cực hăng hái thi đua học tập, lao động, công tác, sống có lý tưởng, hoài bão, luôn có ý chí vươn lên… Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận lớp trẻ thờ ơ với thời cuộc, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, non kém về nhận thức chính trị.
Trước sự biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, công tác giáo dục thế hệ trẻ, nhất là giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Bằng hình thức đa dạng, phong phú, các cấp ủy đảng trong tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục truyền thống, lịch sử. Từ đó thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.
Cuối tháng 7 vừa qua, các đoàn viên thanh niên xã Hồng Thái (Việt Yên) đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Dọn dẹp, chỉnh trang làm đẹp nghĩa trang, thăm tặng quà các gia đình chính sách, thương, bệnh binh trên địa bàn...Anh Thân Quang Phong, Bí thư Đoàn xã cho biết: "Đây là hoạt động thiết thực ý nghĩa được tổ chức hằng năm vào dịp Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Trước đó, Đoàn xã cũng đã tổ chức chương trình Hành trình đến với địa chỉ đỏ tại Khu di tích Lịch sử quốc gia Mộ và đền thờ Hán Quận Công Thân Công Tài ở thôn Như Thiết. Tại đây 31 đội viên, thanh niên ưu tú đã được kết nạp Đoàn. Những hoạt động này đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước". Được biết, ngoài các hoạt động trên, Đoàn xã Hồng Thái còn quan tâm giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên qua sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện truyền thống…
Đã thành thói quen, mỗi dịp kỷ niệm các sự kiện lớn của quê hương, đất nước, ông Hoàng Hữu Chiến, Đài truyền thanh xã Yên Mỹ (Lạng Giang) lại tìm tòi, nghiên cứu tư liệu, soạn bài truyền thông. Thông qua Đài truyền thanh xã, những bài viết về chiến thắng Điện Biên Phủ; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; lịch sử Đảng bộ địa phương được ông sưu tầm, biện tập ngắn gọn lại từ các trang báo, tạp chí, sách...đã đến với người dân. Ông cho biết, là xã thuần nông, một phận không nhỏ người dân, trong đó có thanh niên, thiếu niên ít có điều kiện để đọc, nghiên cứu lịch sử. Việc biên soạn những bài tuyên truyền ngắn gọn sẽ giúp người nghe hiểu được những nét cơ bản lịch sử dân tộc, truyền thống quê hương để luôn nhớ đến cội nguồn.
Với hơn 55 nghìn tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử, truyền thống của đất nước và mảnh đất, con người Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh từ nhiều năm nay đã trở thành địa điểm thích hợp để các nhà trường đưa học sinh đến tham quan, giảng dạy ngoại khóa, sinh hoạt chuyên môn. Ngoài các gian trưng bày cố định, đơn vị còn tổ chức các đợt trưng bày theo chủ điểm gắn với những ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc. Việc học lịch sử từ chính những con người, sự kiện, hình ảnh đã giúp cho các em học sinh thích thú, dễ nhớ bài giảng hơn.
Không có hình thức nào giáo dục ý thức về truyền thống quê hương cho học sinh tốt bằng giáo dục qua lịch sử địa phương. Từng giai đoạn lịch sử dân tộc, giáo viên sẽ có chủ đề gắn với lịch sử địa phương. Cụ thể, như kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giáo viên cho học sinh tìm hiểu về những di tích lịch sử, những anh hùng của địa phương gắn với phong trào đấu tranh trong thời kỳ đó. Đồng thời, để học sinh hình dung và khắc sâu kiến thức lịch sử là phải tham quan thực tế, về nguồn. Đến tận nơi quan sát, tìm hiểu, các em sẽ có ấn tượng sâu sắc và càng cảm thấy tự hào, trân trọng sự hy sinh anh dũng của những người đi trước. Hiện nay, việc dạy và học lịch sử địa phương được các trường linh hoạt tổ chức thực hiện thông qua nhiều hoạt động như: cho học sinh xem phim tư liệu văn hóa và lịch sử, đưa học sinh đi tham quan các bảo tàng, di tích, khu tưởng niệm, tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề… Từ đó, học sinh có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức về văn hóa, lịch sử của quê hương.
Em Vi Thị An, học sinh lớp 12A, Trường THPT Ngô Sỹ Liên (TP Bắc Giang) bày tỏ: “Từ những hiện vật lịch sử lưu lại tại đây đã giúp chúng em hiểu thêm về truyền thống lịch sử của quê hương mình. Từ đó yêu thích hơn môn lịch sử và thấy các tiết học cũng hào hứng hơn. E nghĩa, tuổi trẻ cần thể hiện lòng yêu nước của mình bằng hành động dũng cảm, sáng tạo, xung kích trong phát triển KT-XH, năng động, nhạy bén, không ngừng nâng cao lòng tự hào dân tộc, gương mẫu chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nỗ lực không ngừng tự học, tự sáng tạo.
Đồng chí Nguyễn Văn Liêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: "Cùng với hoạt động xuất bản, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho người dân, nhất là thế hệ trẻ thông qua sách lịch sử đảng bộ thời gian qua luôn được các cấp ủy quan tâm. Những giờ học lịch sử Đảng bộ huyện, xã trong các nhà trường, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên mới tại các di tích lịch sử...đã thực sự tạo động lực, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, niềm tự hào với truyền thống quê hương".
Được biết, ngoài việc tích cực biên soạn tài liệu giảng dạy vào các trường học các cấp ủy còn chỉ đạo Trung tâm Chính trị huyện, TP bố trí đưa nội dung tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy với thời lượng từ 3- 5 tiết cho các đối tượng là học viên các lớp: Trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng cho đảng viên mới và lớp nhận thức về Đảng. Hằng năm, 100% các trường phổ thông tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh tại các di tích lịch sử, văn hóa,
Ông Đặng Thiều Quang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạng Giang nói: Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp.
Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các trường học, tổ chức đoàn thanh niên các cấp. Công tác này đã và đang được triển khai bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như viết bài tìm hiểu, triển khai các cuộc vận động, trao đổi tọa đàm, nghe nói chuyện chuyên đề, mít tinh kỷ niệm... qua đó giúp cho thanh, thiếu niên hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị của các sự kiện lịch sử. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức cho thanh niên gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu các di tích lịch sử... Đặc biệt giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên thông qua đợt sinh hoạt chính trị “Tiếp lửa truyền thống”; tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với các nhân vật lịch sử, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Từ đó, góp phần vun đắp lý tưởng sống, ý chí, bản lĩnh cho thanh, thiếu niên trong giai đoạn hiện nay; củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Trong các ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12... công tác này được đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, trồng hoa cây cảnh, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...
Những việc làm thiết thực, ý nghĩa trên đã góp phần tạo ra môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng. Từ đó nhân lên những tấm gương điển hình trong học tập, lao động, sản xuất... ở thế hệ trẻ.
V.A