Hỗ trợ nhiều hộ dân tiêu thụ sản phẩm
Là người Ninh Bình, năm 2014 có dịp đến vùng đất Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chị Đinh Tuyết Nhung nhận thấy vùng đất này có điều kiện tự nhiên thuận lợi, chị bàn với chồng đầu tư vốn xây dựng trang trại nuôi lợn tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể. Trang trại được xây dựng với quy mô hơn 250 con lợn thịt và hàng chục con lợn nái sinh sản.
Mặc dù nuôi lợn theo hướng hữu cơ cho thịt lợn chất lượng nhưng chị Nhung gặp nhiều khó khăn do giá thịt lợn phụ thuộc nhiều vào thị trường. Bởi vậy, chị vẫn luôn trăn trở tìm hướng đi cho riêng mình.
Chị Nhung cho biết: Qua tìm hiểu chị Nhung thấy lạp sườn Tây Bắc là món ăn của đồng bào dân tộc làm sử dụng dụng quanh năm và khu du lịch hay những người xa quê thường sử dụng làm quà biếu mỗi khi Tết về. Từ đó chị Nhung có ý tưởng đưa sản phẩm lạp sườn Tây Bắc trở thành hàng hóa cạnh tranh trên thị trường.
Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chị bắt tay vào làm những mẻ lạp sườn, thịt gác bếp đầu tiên, pha chế theo công thức, tỷ lệ nhất định, tạo ra sản phẩm thơm ngon, hợp khẩu vị với đa số người tiêu dùng.
Sản phẩm lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Luỹ được chế biến theo công thức cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày tại Ba Bể, Bắc Kạn. Ảnh: Website Đảng Cộng sản
Từ mô hình này, chị Nhung đã mời một số bà con cùng nhau thành lập tổ hợp tác với 10 thành viên trong đó có 7 hộ nghèo tham gia sản xuất và chế biến những sản phẩm truyền thống như: Lạp sườn treo gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, quả bí xanh thơm. Tuy nhiên, lúc đầu các thành viên trong tổ còn lúng túng trong việc phát triển kinh tế và giảm nghèo, sản phẩm làm ra tiêu thụ còn nhiều khó khăn.
Nhận thấy những sản phẩm đó có thể phát triển trở thành hàng hóa, từ giữa năm 2018 các thành viên đã thống nhất thành lập HTX Nhung Luỹ. Để có chỗ đứng trên thị trường, chị Nhung mang sản phẩm đi đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, làm hồ sơ công bố sản phẩm, gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.
Chị Nhung bộc bạch: Các sản phẩm của HTX bước đầu đã hoàn thiện về mặt giấy tờ pháp lý, được ví như tấm hộ chiếu cho công cuộc đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Tuy nhiên để HTX phát triển lớn mạnh hơn, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm là hết sức cần thiết.
Thành viên HTX đã họp bàn và lên kế hoạch cụ thể cho việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm. Các kênh bán hàng được HTX lựa chọn chính là trên sàn thương mại điện tử, trang cá nhân, website, bán buôn bán lẻ, bán tại chỗ, bán qua hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, siêu thị mini, trạm dừng nghỉ, tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, HTX Nhung Luỹ đã có 19 thành viên chính thức với nhiều hoạt động và đem lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để sản xuất có hiệu quả cao hơn, HTX đã thành lập các tổ thành viên liên kết trồng nguyên liệu cho HTX với gần 100 hộ, trong đó có nhiều hộ nghèo được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến bảo vệ môi trường
Hợp tác xã đã mạnh dạn đem các sản phẩm đặc sản lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp tham gia đề án OCOP mỗi xã phường 1 sản phẩm và được cấp chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020 sản phẩm lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Luỹ tiếp tục đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Chị Nhung cho biết: HTX đang có đàn lợn trên 300 con để đáp ứng nguồn nguyên liệu sạch và an toàn cho chế biến lạp sườn. Sản phẩm lạp sườn của HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, được đóng gói, hút chân không kỹ càng nên rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao.
HTX đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với các 8 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền, các đại lý siêu thị của HTX ở khắp các tỉnh thành, hoàn thiện xong hồ sơ cho sản phẩm lạp sườn gác bếp với siêu thị BigC...
Hiện, mô hình sản xuất theo chuỗi của HTX Nhung Luỹ đã cho thu về mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Không chỉ tâm huyết với sản phẩm mình làm ra, HTX còn thu hút người tiêu dùng bởi tinh thần bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thân thiện, dễ phân hủy.
Theo các thành viên, chi phí cho những túi giấy hay túi nilon phân hủy sinh học của HTX cao hơn nhiều so với loại túi nilon thông thường, nhưng ngược lại đã ghi điểm trong mắt người tiêu dùng. Mục tiêu của HTX hướng đến là những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, chị Tuyết Nhung còn là một trong những đoàn viên, thanh niên mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm với nhiều ý tưởng sáng tạo. Năm 2017, chị Nhung đã tham gia và đạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng của thanh niên trong phát triển nông nghiệp bền vững" tỉnh Bắc Kạn, với giải thưởng là kinh phí hỗ trợ sản xuất kinh doanh 90 triệu đồng. Tháng 9/2018, chị Nhung tham gia cuộc thi "Dự án khởi nghiệp lần thứ 4 năm 2018" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng các đối tác chiến lược phát động cuộc thi. Ý tưởng của chị đã lọt vào vòng chung kết toàn quốc./.
Nguồn ĐCSVN