Đây là kết quả của quá trình thai nghén tính bằng thập niên. Nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển đất nước, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh thế kỷ 21 là “thế kỷ của đại dương”.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII với Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, quy hoạch không gian biển quốc gia là một trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Đây cũng là bản quy hoạch đa ngành lần đầu tiên được lập ở Việt Nam, góp phần triển khai kịp thời các quan điểm, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý biển và hải đảo.
Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 10km2 đất liền nước ta có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.
Xét về vị thế, vùng biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng, là con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, huyết mạch nối liền đông bán cầu và tây bán cầu. Việt Nam cũng nằm tại khu vực có nhiều nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á khác.
Với cách tiếp cận hệ thống và tổng hợp, liên ngành - liên vùng, dựa vào hệ sinh thái, cảnh quan, thích ứng, bản quy hoạch định hướng sử dụng không gian biển theo các vùng: vùng biển và ven biển; các đảo và quần đảo; các khu bảo tồn biển; vùng trời; hoạt động lấn biển và nhận chìm. Đối với mỗi không gian này, quy hoạch định hướng việc khai thác, phát huy tài nguyên biển đảo theo hướng bền vững.
Trong đó, đối với vùng biển và ven biển, việc phân vùng sử dụng biển để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.
Đơn cử, nếu như Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển thành trung tâm hướng biển, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam bộ và nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan thì vùng biển và ven biển ĐBSCL lại thích hợp để phát triển công nghiệp dầu khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo (Bạc Liêu, Cà Mau). Thành phố Cà Mau và Rạch Giá (Kiên Giang) được quy hoạch trở thành những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, xứng tầm đô thị vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, làm căn cứ vững chắc để đẩy mạnh khai thác toàn diện vùng biển Tây Nam…
Với một quá trình chuẩn bị lâu dài, công phu, thận trọng, quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vùng bờ; đảm bảo khả năng chống chịu, phục hồi của hệ sinh thái và chịu tải của môi trường để thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, hiện đại; tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Nguồn SGGP