Sinh ra tại xã Ân Tình, huyện Na Rì, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Bàn Văn Chiến vào làm việc tại Trung tâm giống cây trồng Bắc Kạn.Năm 2015, đơn vị chủ quản tinh gọn, sáp nhập, Bàn Văn Chiến đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng, người thân và những công nhân sát cánh cùng với mình trong quá trình sản xuất cây giống, mua được góc thung lũng nhỏ tại thôn Tân Cư, xã Xuất Hóa để kinh doanh giống cây trồng.
Với năng lực chuyên môn sẵn có, anh bắt tay ngay vào việc sản xuất cây giống. Cùng với đội ngũ công nhân lành nghề, đồng cam cộng khổ, việc sản xuất cây giống từng bước ổn định và phát triển.
Khi đã tích lũy được vốn, anh Chiến mua thêm khoảng 5 ha để mở rộng mặt bằng cơ sở sản xuất lên hơn 10.000m2, phát triển quy mô vườn ươm, thêm một số chủng loại cây giống có giá trị kinh tế cao. Ngoài cây chủ lực là mỡ và keo, còn mở rộng thêm các loài cây như: bưởi, cam quýt, lát, trám, dổi … để đa dạng nhu cầu của người dân.
Cơ sở sản xuất cây giống của anh Chiến luôn có khoảng 20 lao động địa phương làm việc. Ảnh: Nông nghiệp
Để thuận tiện giao dịch và gieo ươm cây con cho các địa phương, anh Chiến đã thành lập Cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Mạnh Minh. Do kinh doanh có uy tín nên khách hàng của cơ sở ngày một đông. Ngoài gieo ươm theo hợp đồng với các địa phương, cây giống của Cơ sở đã được người dân trong tỉnh tín nhiệm.
Anh Chiến cho biết: "Gieo ươm cây giống cần phải chú trọng các khâu như chọn đất để đóng bầu, chọn hạt giống tốt. Ngoài ra, chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật. Hiện, mỗi năm Cơ sở sản xuất hơn 2 triệu cây các loại, chủ yếu cung ứng cho dự án trồng rừng của huyện Chợ Đồn và Ba Bể. Ngoài ra, còn bán cho người dân trồng lại rừng sau khai thác. Việc bán thẳng cho người dân thu được lợi nhuận cao, có lúc cây mỡ tới 2.500 đồng/cây, cây dổi tới 6.000 đồng/cây… Nộp thuế Nhà nước mỗi năm trên 50 triệu đồng".
Từ năm 2018 trở lại đây, việc sản xuất cây giống thuận lợi, Cơ sở thu lãi tốt. Từ nguồn thu đó, gia đình anh trả hết nợ, xây nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt và 2 xe ô tô phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, anh Chiến còn mua thêm được 3,6 ha đất đồi rừng xung quanh vườn ươm, đồng thời, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Bàn Văn Chiến giao cây giống tại huyện Chợ Đồn. Ảnh: Báo Bắc Kạn
Bà Phạm Thị Thảo, là công nhân gắn bó với Cơ sở từ lâu, cho biết: "Làm tại đây, lương không cao nhưng cho thu nhập đều, ổn định, lại gần gia đình. Công việc cũng không mấy vất vả. Thời điểm chăm sóc cây con như nhổ cỏ, bón phân, tưới nước… được 160.000 đồng/ngày, còn khi đóng bầu khoán, thu nhập cao hơn được khoản 300.000 đồng/ngày".
Trong năm 2020, anh Chiến cũng đã mua lại hơn 80% cổ phần của HTX Chế biến nông sản Tân Dân và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của đơn vị này. Trong thời gian tới cũng sẽ mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực chế biến nông sản, đặc sản địa phương theo hướng sản phẩm OCOP để cung cấp ra thị trường.
Khởi nghiệp từ gian khó, ngoài làm giàu cho bản thân, anh Chiến còn luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, tham gia tích cực vào mọi hoạt động đoàn thể ở địa phương. Ghi nhận những nỗ lực của anh Bàn Văn Chiến, năm 2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Kạn đã tặng Bằng khen và mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kạn đã tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 – 2020./.
PV tổng hợp theo Báo Bắc Kạn