Trong thời đại công nghệ 4.0, việc phát triển TMĐT mang lại rất nhiều lợi ích cũng như mở ra cơ hội hấp dẫn cho các DN tiếp cận với người tiêu dùng, giúp thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả, mở rộng kinh doanh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Nắm bắt được lợi thế đó, các DN trong tỉnh triển khai từ rất sớm việc phát triển TMĐT. Hiện nay, 100% DN đầu tư thiết bị máy tính kết nối internet, hơn 90% DN thường xuyên giao dịch, kinh doanh đặt hàng qua thư điện tử. Nhiều DN đã đầu tư phần mềm chuyên ngành phục vụ quản lý, cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao dịch hợp tác kinh doanh. Hơn 30% DN vừa và nhỏ có website riêng (năm 2007 chỉ có 20 DN có website).
Một số DN tiên phong ứng dụng TMĐT bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến như: Công ty Thương mại và Dịch vụ BNC (bacninh.com.vn); Công ty Phú Minh (phuminhbn.com.vn); cổng làng nghề (công ty Thương mại và Công nghệ Tec craf tb2c.com)… Hầu hết những DN này hoạt động tốt, mang lại hiệu quả tích cực, tổng giá trị hợp đồng, đơn hàng được ký kết thông qua việc truy cập website đạt từ 65 - 75 %; nhiều đơn vị có website đã khai thác hiệu quả như Công ty Cổ phần may Đông Bình (dobico.vn); Công ty Cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh (baniphar.com.vn); Hợp tác xã gốm Phù Lãng (gomphulang.com.vn); Cơ sở mây tre đan xuất khẩu Nguyễn Kỷ (trenguyenky.com.vn)…
Bên cạnh những đóng góp không nhỏ của TMĐT vào tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian qua, vẫn còn nhiều trở ngại và thách thức cho sự bứt phá trong thời gian tới, như: Dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, tính kết nối chưa cao; lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp do chất lượng một số sản phẩm chưa tốt, không đúng như quảng cáo, giả mạo sản phẩm, thông tin cá nhân bị rò rỉ; cách thức mua hàng qua mạng vẫn phức tạp với nhiều người; DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và công nghệ thông tin, kỹ năng quản lý website và sàn giao dịch TMĐT, kỹ năng tiếp thị trực tuyến...
Triển khai mạng 5G tại KCN Yên Phong góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển TMĐT. Ảnh: Báo Bắc Ninh
Để tiếp tục phát triển TMĐT, khuyến khích các DN, đơn vị, tổ chức đẩy mạnh triển khai ứng dụng các phần mềm trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 2-4- 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND về “Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”. Với mục tiêu triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng, góp phần từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế…
Phấn đấu đến năm 2025 thu hút 55% dân số trên địa bàn tỉnh trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các trang, mạng xã hội; Doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm từ 10 - 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt từ 50%; 80% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp, 70% cá nhân, nhóm cá nhân thực hiện việc khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử; Xây dựng ứng dụng “Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh” (http://www.ecombacninh.vn) ứng dụng trên nền thiết bị di động; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; phấn đấu Bắc Ninh nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hàng năm…
Các DN trong tỉnh tham gia triển làm công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin - Infortech Bắc Ninh 2020.
Để đạt được những mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT. Trong đó tăng cường đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các đối tượng là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ xây dựng website TMĐT và bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến đa kênh tích hợp thanh toán trực tuyến không sử dụng tiền mặt, tích hợp đồng bộ hệ thống bán hàng trên website, mạng xã hội, các sàn TMĐT. Xây dựng, duy trì và quảng bá “Bản đồ mua sắm Bắc Ninh” (http://bandomuasam.bacninh.gov.vn), ứng dụng trên nền tảng di động (app mobile) nhằm hỗ trợ cho người dân, DN lựa chọn mua sắm, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của DN. Hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và tổ chức chuỗi cung ứng TMĐT cho các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa DN sản xuất, DN logistics và DN cung cấp dịch vụ. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch thương mại điện tử; nghiên cứu, xem xét áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt đối với các DNNVV…
Thời gian tới, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số, tập trung vào các DNNVV và các khu vực tụt hậu. Phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ số và hỗ trợ DN triển khai ứng dụng trong từng công đoạn của chu trình kinh doanh.Triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình DN số đối với từng ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện của từng địa phương…
Triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về mức độ phát triển TMĐT, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV trong tỉnh.