Tăng trưởng xanh là sự phát triển toàn diện, hướng tiếp cận mới của sự tăng trưởng kinh tế, nhằm phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Khép lại một năm đầy biến động khi dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Với những quyết sách đúng đắn và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Ninh vẫn duy trì các chỉ số tăng trưởng ổn định, nhiều chỉ tiêu đứng trong tốp đầu cả nước. Sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch dần chiếm ưu thế. Mục tiêu của tỉnh là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về thăm, làm việc với Bắc Ninh: “Tỉnh phải hướng đến mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững, quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
Nhiều giải pháp đột phá về môi trường song hành cùng phát triển kinh tế được lãnh đạo tỉnh đặt ra và thực hiện hiệu quả. Xác định rõ, BVMT là cơ sở có tính quyết định cho sự phát triển bền vững, để thực hiện thành công mục tiêu “cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và gìn giữ môi trường”, thì nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội là hết sức quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật BVMT được đặt lên hàng đầu, tạo sự đồng thuận, chung tay BVMT của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Cùng với việc xây dựng và cụ thể hoá các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật BVMT của nhà nước phù hợp với điều kiện của địa phương, thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn xã hội là giải pháp hàng đầu. Chưa khi nào các vấn đề về môi trường lại được đặc biệt quan tâm như hiện nay khi biến đổi khí hậu, ô nhiễm trắng, rác thải sinh hoạt, bụi mịn... ngày một gia tăng. Tuyên truyền được xem là một công cụ quan trọng, cơ bản tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, hành vi của con người trong cộng đồng, từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cái được lớn nhất từ hiệu ứng tuyên truyền đó là toàn dân tham gia BVMT. Các phong trào làm sạch ruộng đồng; làm sạch đường làng ngõ xóm; phân loại rác thải tại hộ gia đình gắn với xây dựng Nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp hàng ngày ở các vùng nông thôn, dần hình thành những vùng quê xanh mang dáng dấp đô thị sinh thái, tạo sức sống mới, tràn đầy năng lượng. Hiện tại, các điểm tập kết rác thải tại khu dân cư, thôn, làng cơ bản áp dụng các biện pháp đánh đống, phun chế phẩm vi sinh, hạn chế phát tán mùi và dọn dẹp vệ sinh thường xuyên. Một số địa phương tăng cường hiệu quả hoạt động của các lò đốt nhỏ hiện có để xử lý rác cho các địa phương lân cận và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Nền kinh tế năng động với sự phát triển mạnh mẽ, gia tăng nhanh các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, yếu tố BVMT càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chủ trương của tỉnh phải bảo đảm các tiêu chí gắn thu hút đầu tư với BVMT, trong đó ưu tiên hướng thu hút đầu tư trọng tâm vào các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu như: Công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ du lịch... mang dáng dấp nền kinh tế tri thức “2 ít, 3 cao”, sử dụng ít đất, ít lao động; vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.
Bắc Ninh tự hào đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp FDI hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Foxconn, Hanwha Techwin, Fushan Technology… Đây là những điển hình về chấp hành nghiêm các quy định BVMT trong các KCN. Điều đáng ghi nhận là hiện nay, 9/10 KCN đi vào hoạt động đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải, khí thải ra môi trường; 100% chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại được thu gom, xử lý với các Công ty có đủ năng lực xử lý theo quy định...
Đối với 22 CCN đi vào hoạt động và 62 làng nghề đang trên đà phát triển mạnh, tỉnh cũng yêu cầu phải đầu tư xây dựng, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật BVMT, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhằm từng bước hoàn chỉnh các quy định về môi trường theo đúng Quy chuẩn môi trường Việt Nam. Trước những tồn dư chưa được quy hoạch, mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, nguyên liệu chủ yếu là phế liệu, sản xuất thủ công là chính, chưa đáp ứng được các điều kiện BVMT theo quy định ở các làng nghề, tỉnh đang chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện phương án BVMT gắn với xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di rời ra khỏi khu dân cư các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong làng nghề, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình xử lý nước thải, khí thải theo quy định, ký hợp đồng và chuyển giao các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh với đơn vị có đủ chức năng… góp phần thúc đẩy kinh tế làng nghề phát triển, hòa cùng bức tranh tăng trưởng chung của tỉnh.
Ngành Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực nâng cao năng lực thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường; thắt chặt quản lý chất thải và phế thải. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các đề án, dự án môi trường được phê duyệt có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động BVMT; phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái môi trường để huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác BVMT.
Tăng cường công tác quản lý chất thải, giám sát vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các công ty môi trường. Mở rộng ô chôn lấp chất thải và chủ trương lắp đặt lò đốt rác công suất 100 tấn/ngày tại khu xử lý chất thải xã Phù Lãng (Quế Võ), bảo đảm duy trì các chỉ tiêu đạt chuẩn: 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 100% xã có phong trào làm sạch đồng ruộng hiệu quả; tỷ lệ CCN, làng nghề có hệ thống xử lý nước thải theo đúng kế hoạch.
Để thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh bền vững, rất cần hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư, trong đó chú trọng đến bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia và bổ sung vào chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh gắn chặt với các giải pháp môi trường bền vững. Vấn đề cốt lõi là phải nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện, mở ra thời kỳ tăng trưởng kinh tế mới, bảo đảm các yếu tố hệ sinh thái, bền vững./.
Theo Báo Bắc Ninh điện tử