Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết này là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác; hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á… Để triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, các cấp bộ, ngành, chính quyền địa phương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản.
Bảo vệ môi trường chưa được chú trọng
Trữ lượng titan tại tỉnh Bình Thuận vào khoảng 600 triệu tấn, chiếm hơn 90% trữ lượng titan cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, sau khi hàng loạt dự án khai thác titan ở địa phương đã được cấp phép thì xuất hiện nhiều bất cập cũng như các sự cố về môi trường, gây bức xúc trong dư luận.
Đánh giá về tình hình quản lý khai thác khoảng sản trên địa bàn, bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 96 Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực, trong đó có 22 mỏ đá xây dựng, 20 mỏ cát xây dựng, 19 mỏ sét gạch ngói và 35 mỏ vật liệu san lấp; có 58 mỏ đang hoạt động khai thác, 38 mỏ dừng hoặc chưa khai thác. Tỉnh còn 6 Giấy phép khai thác khoáng sản titan còn hiệu lực với tổng diện tích 2.207 ha; có 3 mỏ đang khai thác, 1 mỏ đang bị dừng khai thác, 1 mỏ chưa được triển khai xây dựng cơ bản và 1 mỏ được chủ đầu tư đề nghị trả lại.
Theo quy định, các mỏ titan thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, định kỳ Bộ này sẽ ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Các dự án thăm dò, khai thác quặng titan khi được quy hoạch đã có chồng lấn với các dự án, quy hoạch khác trước đó nhưng chưa được xử lý, vùng quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển. Thực tế cho thấy khai thác quặng titan có thể gây ra tác động bất lợi cho các ngành kinh tế khác (du lịch, nông nghiệp) ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường ven biển.
Hơn nữa, việc khai thác mỏ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến an toàn lao động. Đặc biệt, để khai thác titan thì người lao động phải làm việc trong địa hình toàn cát dễ sụt lún và do việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn lao động thường không được chú trọng nên đã xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc. Điển hình, gần đây đã có vụ sạt lở cát khiến 4 công nhân thiệt mạng tại khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Quang Cường.
Giải pháp tháo gỡ
Bà Phan Thị Xuân Thu cho biết, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến việc chồng lấn các dự án khai khoáng trên cả nước, ngày 1/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 51/NĐ-CP về quản lý khai thác khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đó, các quy định mới sẽ cho phép tỉnh Bình Thuận thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; đồng thời cho phép điều chỉnh diện tích, đưa ra ngoài diện tích vùng dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.
Hơn nữa để khắc phục các khó khăn, tồn tại nhằm khai thác tốt các loại tài nguyên khoáng sản hiện có, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bà Phan Thị Xuân Thu cho biết, tỉnh sẽ rà soát hiện trạng toàn bộ các mỏ khoáng sản làm hồ chứa nước đang khai thác và đã kết thúc khai thác, tham mưu với UBND tỉnh biện pháp nhằm tăng cường cải tạo, phục hồi môi trường tại những khu vực này. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tham mưu cho UBND tỉnh xem xét ban hành các quyết định thu hồi đất và điều chỉnh quyết định thu hồi giao địa phương quản lý đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để khai thác khoáng sản đã đóng cửa mỏ.
Đồng thời, Sở sẽ kịp thời thông báo cho UBND các địa phương, doanh nghiệp khi giấy phép khai thác hết hạn để yêu cầu chấm dứt hoạt động khai thác, thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.
Cùng quan điểm trên, ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận cho rằng, các dự án khai thác, chế biến titan cần được nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp về nguồn nước khai thác tại từng khu vực cụ thể để xem xét áp dụng các biện pháp thu gom nước ngọt vào mùa mưa trong khu vực khai thác và ứng dụng triệt để công nghệ khai thác sử dụng nước hoàn lưu, tiết kiệm nước trong khai thác và trồng cây hoàn phục môi trường. Bãi thải cát thô được hoàn thổ ngay trong quá trình khai thác theo hình thức cuốn chiều tạo nên mặt bằng và triển khai trồng cây và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật tạo thảm xanh thực vật và chống cát bay, tạo ra cảnh quan mới ngay trong các khu đã và đang khai thác.
Bên cạnh đó, đơn vị khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm kết hợp khai thác với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; bồi thường hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Một số chuyên gia khoáng sản thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận kiến nghị, tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thống nhất về thời điểm xây dựng khu vực dự trữ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 để điều chỉnh khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản, trong đó không khoanh định đưa vào dự trữ khoáng sản tại những khu vực đã được khoanh định là diện tích quỹ đất ven biển, các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu phát triển đô thị, khu dân cư... để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, cần quy hoạch các khu vực đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư dự án có quy mô lớn; có năng lực về tài chính, công nghệ có tâm huyết, trách nhiệm với xã hội nhằm góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong vùng cải thiện tốt hơn so với các khu vực khác.
Nguồn TTXVN