Với 27 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, mức thu nhập GDP mỗi người dân trên 35.000/năm, Liên minh châu Âu (EU) có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức về tiêu chuẩn bền vững đang là “barie” xanh đối với nông lâm sản Việt Nam tại thị trường này trong thời gian tới.
Điểm tên những mặt hàng sẽ chịu tác động
Ngày 17/11/2021, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất một dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Chưa đầy 2 năm sau, ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu và ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua dự luật này.
Dự luật có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR - EU Deforestation-free Regulation) sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Các mặt hàng chịu tác động từ dự luật này bao gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ.
Như vậy, có thể thấy gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng.
Theo quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường EU đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.
Yêu cầu truy xuất nguồn gốc đến vườn trồng, chứng minh không gây mất rừng bằng các báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng, đánh giá và giảm thiểu nguy cơ về vấn đề xã hội (quyền sử dụng đất, lao động, thu nhập...).
Như vậy, quy định khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - đánh giá, các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.
“Với quy định này của châu Âu, chúng ta không còn cách nào khác là thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của họ vì đây là thị trường quan trọng. Ví dụ, tính riêng cà phê, châu Âu mỗi năm nhập khẩu hơn 40% sản lượng của Việt Nam”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.
Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á – Chương trình cảnh quan bền vững, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) của Hà Lan – đánh giá, đây là một quy định khá khó khăn, bởi nếu muốn đạt được yêu cầu này thì chúng ta phải có được một hệ thống xuất xứ nguồn gốc đến từ nông hộ và đến từng vườn. Khi đó, mới có thể chứng minh được với EU đây là các sản phẩm không đến từ những vùng trồng phá rừng.
“Tiêu dùng cà phê thế giới đi theo xu hướng ngày càng đòi hỏi sự bền vững cao hơn, trong đó, yêu cầu thu mua bền vững hay thu mua các sản phẩm có trách nhiệm; đáp ứng yêu cầu giảm phát thải xuống 0 và tiến tới bằng 0. Để vừa giữ được năng suất và vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường thì đây là bài toán rất khó" - bà Trần Thị Quỳnh Chi nói.
Nông lâm sản Việt đối diện với thách thức mới
Cà phê - một trong những ngành sẽ là đối tượng chịu tác động của quy định mới trên. Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - thông tin, nhiều năm qua, diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650.000 - 700.000 ha, và từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu "đóng cửa rừng" nên việc phá rừng trồng mới khả năng không nhiều, đặc biệt từ năm 2019 trở lại đây.
EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần khoảng trên 40% khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021.
Thời gian chính thực hiện quy định EUDR của EU là cuối năm 2024. Quy định mới của EU sẽ vừa là thách thức và cũng là cơ hội của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Nói về thách thức, ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ, việc truy xuất nguồn gốc khó khăn nhất là đối với các nông hộ. Với trên 1,3 triệu nông hộ, diện tích manh mún, phần lớn chỉ từ 0,5 ha trở xuống tại 11 tỉnh trồng cà phê. Số diện tích này thực tế là hợp pháp nhưng việc chứng minh nguồn gốc không phải dễ. Bên cạnh đó là vấn đề chi phí để thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ với các nông hộ, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, khó khăn cho các doanh nghiệp là không ít nếu chủ quan, bởi thị trường EU đang chiếm trên 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Do đó, nếu bị siết chặt, ảnh hưởng sẽ là không nhỏ.
“Về phía doanh nghiệp xuất khẩu rất cần có những thông tin cụ thể từ châu Âu như: Mốc thời gian áp dụng, sản phẩm cụ thể thuộc diện phải áp dụng... để doanh nghiệp chuẩn bị. Trường hợp cần thiết, Việt Nam nên đề nghị châu Âu cho lùi thời gian áp dụng quy định này để các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn”, ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ.
Thị trường EU chiếm khoảng 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu USD. Mặt hàng chủ yếu doanh nghiệp gỗ Việt Nam xuất sang thị trường này là các mặt hàng thuộc nhóm HS 94 (đồ gỗ).
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đánh giá, quy định mới của EC là muốn dùng động lực thị trường nhằm thúc đẩy cơ quan công quyền và người dân, doanh nghiệp các nước có trách nhiệm hơn nhằm góp phần làm giảm mất rừng và suy thoái rừng.
Các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp, các sản phẩm khác nữa là các mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam không còn tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên. Còn những trường hợp chuyển đổi bất hợp pháp không có sản phẩm gỗ xuất sang EU. Do vậy, quy định mới sẽ không quá gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ.
Dù vậy, VIFOREST cũng lưu ý, với quy định mới này sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ có thêm nhiều việc phải làm. Doanh nghiệp phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà doanh nghiệp sử dụng.
+ Trước mắt ba mặt hàng của Việt Nam gồm gồ, cà phê, cao su sẽ bị yêu cầu tuân thủ theo quy định Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). + Hiện nay thông tin về vị trí của các lô trồng cao su, cà phê, và gỗ của Việt Nam chưa được xác định một cách chính xác trên hệ thống tọa độ quốc tế cho từng lô. + Hệ thống cơ sở dữ liệu của diện tích rừng, diện tích trồng cà phê của Việt Nam chưa được tập hợp một cách đầy đủ và chính xác. + Hiện EU chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc chuẩn bị năm 2024 đi vào thực thi sẽ gặp khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt khó khăn cho các hộ trồng cà phê nhỏ lẻ có các sản phẩm bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU |
Theo Công thương