Cho đến nay, có thể khẳng định rằng, công cuộc đấu tranh và phòng chống, xử lý tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện ngày càng bài bản, đồng bộ, quyết liệt, đi vào chiều sâu, bước đầu đã có những đột phá. Các “con số biết nói” đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của công tác phòng, chống tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, sự lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Nhiều cán bộ cấp cao cũng đã bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Trong năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can, tăng 46% về số vụ án so với năm trước về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được khởi tố, điều tra, xử lý.
Đáng lưu ý hơn, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng, nhất là ở những lĩnh vực “dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực” đã tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt, tinh thần quyết liệt, tính đúng đắn, kiên định, bản lĩnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Việc xử lý nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm được thực hiện bài bản, thận trọng trên nguyên tắc đúng người, đúng tội, vì sự nghiệp chung; nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tinh thần thượng tôn pháp luật, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị; thể hiện ý nguyện của nhân dân. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành kiên quyết, không nương nhẹ, không khoan nhượng, không bỏ lọt tội phạm, nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình.
Việc xử lý các sai phạm hoàn toàn công khai, minh bạch; không có chuyện vì “vì lợi ích nhóm hay đấu đá nội bộ”, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Các đối tượng bị xử lý cũng nhận thức rõ sai phạm của mình, “tâm phục khẩu phục’, bày tỏ ăn năn, hối lỗi, day dứt vì những việc đã làm.
Với những kết quả đã đạt được, tham nhũng, tiêu cực đã từng bước được ngăn chặn; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, ngày một củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng khiến cho mọi sự công kích, xuyên tạc, thủ đoạn đê hèn, xảo trá của các thế lực thù địch đều bị vạch trần, các âm mưu chống phá nhà nước ta đều bị thất bại.
Người dân cần tỉnh táo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để không bị dao động, lung lay, không bị “dắt mũi” trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; ủng hộ tuyệt đối công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực thực hiện.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, phòng chống tham nhũng cũng cần thiết như việc đánh giặc trên mặt trận. Người nhắc nhở: “Cán bộ nào mà tham ô, hủ hóa là có tội to với Đảng và Chính phủ, có tội to với nhân dân và có tội to cả với anh chị em cán bộ khác”. Người cũng chỉ ra “tệ tham ô, lãng phí, quan liêu” như cái “ung nhọt”, cần phải “Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm. Cho nên, vạch những tệ hại nói trên để sửa chữa, chúng ta không sợ kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền”.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cuộc đấu tranh này, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định, vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".
Quan trọng hơn, cần kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Trong đó, “phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài”; “phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng”. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là "thanh bảo kiếm" sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hơn bao giờ hết, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trong cuộc đấu tranh trên mặt trận “không tiếng súng” nhưng đầy cam go, khốc liệt này. Sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân sẽ tạo nên vũ khí sắc bén, là “bức tường lửa” ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Nguồn Báo tin tức