Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng (KT&ĐT)
Trên thế giới, có rất nhiều TP phát triển và nổi tiếng nhờ gắn liền với các dòng sông như: sông Hoàng Phố - tạo nên điểm nhấn độc đáo cho Thượng Hải; Thủ đô Seoul với kỳ tích sông Hàn; Thủ đô Budapest của Hungary phát triển rực rỡ và lãng mạn hai bên bờ sông Danube... và Hà Nội, TP hơn nghìn năm tuổi, có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sông Hồng.
Điểm tựa cho các ý tưởng sáng tạo
Vào thế kỷ trước, mỗi năm, bãi giữa sông Hồng đều có khả năng ngập nước toàn thể nhiều lần, do đó việc khai thác sử dụng bãi này hầu như không được đặt ra.
Ở đó, giải pháp gần như duy nhất là dành cho người dân tự do canh tác trồng trọt các loại cây và hoa màu, theo mùa vụ thích ứng. Từ ngày có hệ thống thủy điện thượng nguồn, việc khống chế mực nước sông Hồng, xác định tần suất ngập và mức ngập các bãi giữa, bãi bồi triền sông cơ bản đã chủ động kiểm soát được.
Theo các chuyên gia, có thể dựa vào sự ổn định đó làm điểm xuất phát cơ bản và quan trọng để nghiên cứu đề xuất quy hoạch kiến trúc các vùng này phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là các địa điểm cầu Long Biên, bãi bồi Phúc Tân, bãi giữa và bãi ven sông phía quận Long Biên - với cách tiếp cận: khi hình thành sẽ tạo nên một chuỗi hoạt động vừa độc lập vừa liên tuyến giao thoa.
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phương án thứ nhất, cầu Long Biên được tôn tạo thành không gian đi bộ kết hợp xe điện (không còn giao thông đường sắt). Không gian vốn dành cho tuyến đường sắt giữa cầu trở thành không gian có nền lát kính (để giữ nguyên cảm xúc di sản), hoặc vật liệu nhẹ và trở thành không gian linh hoạt cho trưng bày ngắn hạn, tương tác, sáng tạo.
“Chúng tôi cũng được biết, khi Bộ GTVT phân định tuyến đường sắt không còn qua cầu này, trả lại tuyến cho Hà Nội, TP có một hướng là biến tuyến này thành đường sắt đô thị nội đô. Việc này không nên và khó khả thi vì tuyến đường sắt nội đô nên ưu tiên làm 2 chiều và tốc độ cao thì mới đáp ứng chức năng phù hợp theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Hơn nữa, kết cấu cầu Long Biên hiện tại đã khó tính toán về khả năng chịu lực tiếp tục cho chức năng giao thông đường sắt. Nếu tuyến đường sắt đô thị vẫn muốn đi qua khu vực này để sang sông thì nên làm ngầm hoặc cầu mới đơn giản tại vị trí phù hợp” - TS.KTS Phan Đăng Sơn cho hay.
Cùng với đó, khu vực bãi giữa trở thành công viên sinh thái nông nghiệp truyền thống, kết hợp công nghệ cao, tức là dạng vườn nông nghiệp đại diện các vùng miền Việt Nam, với đa dạng sinh học về các loại cây lương thực và ăn quả kết hợp muôn sắc. Các chủng, loài cây tạo sản lượng cao về rau xanh và hoa quả, phục vụ cho nhu cầu nội đô. Kết hợp ở đây, tổ chức nhẹ nhàng các khuôn viên cắm trại, trải nghiệm ăn uống dã ngoại. Với phương cách xây dựng tối thiểu, theo hình thức cơ động cao, cho mọi thể loại vật thể kiến trúc nhà cửa, công trình.
Bãi bồi hai bên sông (Phúc Tân, Bồ Đề…), tổ chức khu chức năng không gian công viên cây xanh, khu chức năng trồng cây ngắn ngày có thu hoạch, hoa cảnh theo mùa, kết hợp tạo dựng các không gian linh hoạt cho tương tác nghệ thuật thường xuyên; tổ chức hoạt động thể thao, sinh hoạt cộng đồng, gắn với không gian mặt nước, chú ý ưu tiên hướng gắn liền chủ đề lịch sử, văn hóa bản địa. Phương thức đầu tư và khai thác kết hợp Nhà nước và xã hội hóa hài hòa.Trong các mục tiêu, cần phải đặt mục tiêu quan trọng là khai thác - vận hành, hiệu quả theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa.
Phương án thứ hai (không ưu tiên lựa chọn), không chờ kết nối đồng bộ phát triển, đồng bộ khai thác không gian cầu Long Biên và bãi bồi ven bờ - đầu tư xây dựng khai thác độc lập thử nghiệm công viên bãi giữa.
Tại đây, xây dựng dạng công viên văn hóa đa năng, như mô hình các công viên trên thế giới. Trong đó, không ưu tiên hướng khai thác sản phẩm nông nghiệp, mà ưu tiên phát triển theo hướng đặc sắc, sinh thái, xanh tự nhiên, kết hợp khai thác hiệu suất dịch vụ tại chỗ; tổ chức công viên bãi giữa thành nhiều loại dịch vụ du lịch có khả năng cuốn hút du khách trải nghiệm tương tác hằng ngày: vui chơi các lứa tuổi, câu cá, trượt cỏ, hoạt động cắm trại dã ngoại, check in, bơi thuyền, ẩm thực... kết hợp ứng dụng công nghệ cao.
Có thể xây dựng cả những công trình vĩnh cửu, bán vĩnh cửu quy mô vừa, có chức năng thích ứng phục vụ nhu cầu (trên cơ sở khảo sát chu kỳ lũ ngập các khu vực có độ lặp tương ứng); tạo lập không gian bảo tồn, khai thác giá trị lịch sử cầu Long Biên...
Bài học từ đô thị ven sông trên thế giới
Trên thế giới, việc quy hoạch đô thị ven sông của nhiều TP lớn như: London (Anh), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)... đã được chú trọng và đem lại những giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân đô thị. Những đô thị ven sông thành công trên thế giới vừa đóng vai trò như một hành lang giao thông và thương mại, vừa tạo lập những công viên đầy sức sống, không gian hoạt động văn hóa, thu hút cả người dân địa phương và du khách, giúp đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.
Công viên còn giúp làm tăng một phần giá trị của các dự án bất động sản xung quanh. KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: ở Mỹ, cụ thể là New York, nhà ở hoặc văn phòng gần các công viên thường có giá cao hơn 25% so với những khu vực khác ở xa công viên. Công viên Forest Park đã giúp tái sinh dòng sông Des Peres sau thời gian dài ô nhiễm và xuống cấp.Đề án khai thác lợi thế, tiềm năng, vị trí bãi nổi giữa và ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa, đa chức năng là rất phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nguyện vọng của người dân thủ đô, góp phần phát triển đô thị Hà Nội theo hướng bền vững. Cụ thể là các mục tiêu: tổ chức lại không gian bãi nổi sông Hồng, xây dựng trở thành công viên văn hóa, đa chức năng sẽ năng góp phần cải thiện đáng kể vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; cải tạo cảnh quan tự nhiên tạo thành điểm tham quan, vui chơi giải trí, du lịch, bổ trợ chia sẻ không gian mở cho khu phố cổ Hà Nội.
TS.KTS Nguyễn Lâm
Các yếu tố then chốt được xem xét khi thiết kế đó là: nước, thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, tiếp cận, giải trí và bảo trì. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tổng thể cuối cùng. Cách tiếp cận này giúp Forest Park đảm bảo những giá trị bản sắc địa phương đồng thời thu hút du khách và góp phần đáng kể vào cải thiện hình ảnh địa phương.
Tại Hàn Quốc, sông Hàn được coi là “báu vật” của xứ kim chi. Cấu trúc không gian đô thị Seoul cũng nằm trong quá trình hình thành và phát triển không gian ven sông Hàn, biến sông Hàn thành viên ngọc sinh thái của thủ đô, sử dụng đất theo hướng xanh.
Các khu ở thiếu kiểm soát ven sông đã dần được thay thế bằng các công trình văn hóa và không gian công cộng phục vụ cộng đồng và khách du lịch. Các đoạn hạ lưu sông Hàn được tổ chức lối đi cho người đi bộ, xe đạp, công viên, nhà hàng. Hơn nữa, áp dụng quy hoạch đô thị trong điều chỉnh đất phát triển mật độ thấp, khi xây dựng các dự án phát triển không gian ven sông Hàn, chính quyền Seoul không chỉ tính lợi nhuận kinh tế thuần túy, mà tính cả các giá trị xã hội làm cho cuộc sống của đại đa số người dân được cải thiện thông qua việc làm, thu nhập và môi trường sống an toàn, lành mạnh; tận dụng các kênh rạch từ sông lớn để tạo nên không gian mở, sự thông thoáng giữa các quần thể cảnh quan có giá trị và chức năng khác nhau.
Đến nay, 40km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú.
Với những kinh nghiệm vừa nhận diện, chúng ta có thể thấy xu hướng tích hợp đa dạng hóa các hoạt động tại không gian mở ven sông để chuyển từ không gian mở thuần túy sang không gian công cộng, tăng cường sức sống và sự sôi động cho không gian ven sông, tăng cường hiệu quả sử dụng đất, kết nối kiến trúc cảnh quan ven sông với hệ thống không gian mở đô thị nhằm hướng tới tạo lập hạ tầng sinh thái, hướng tới tạo dựng bản sắc đô thị và xu hướng bảo tồn thiên nhiên, văn hóa không gian ven sông là thước đo sự phát triển bền vững, đó có thể được xem là những bài học có thể vận dụng cho Thủ đô Hà Nội.
Theo Kinh tế và Đô thị