Xác định việc kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch mà còn mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những thị trường mang lại giá trị cao, khó tính. Vì vậy, cơ quan chức năng kịp thời thông báo quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đó là cách Bắc Giang đã bền bỉ để đưa quả vải thiều sang Nhật Bản. Việc định danh một sản phẩm Việt trên những thị trường “khó tính” mới chỉ là bước đầu tiên, quan trọng hơn là phải hoàn thiện chuỗi sản xuất để có thể xuất khẩu được những chuyến hàng lớn, mang lại giá trị cao, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Mạng lưới chiếu xạ từng bước mở rộng
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hiện nay, ở Việt Nam, số lượng cơ sở chiếu xạ hàng hóa nông sản xuất khẩu vẫn còn ít. Tại Hà Nội, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội thực hiện "chiếu xạ" sản phẩm nông sản sang một số thị trường nhưng đối với việc chiếu xạ sản phẩm nông sản đi Mỹ thì hiện vẫn còn ít cơ sở thực hiện nên phần nào mang tính "độc quyền" đã đẩy giá thành chiếu xạ lên cao, sản phẩm khó cạnh tranh. Tại phía Nam, ngoài trung tâm chiếu xạ ở Thủ Đức sử dụng công nghệ Hungary còn có 2 trung tâm chiếu xạ do tư nhân đầu tư đều được cấp giấy chứng nhận của Mỹ.
Đặc biệt, cuối tháng 5 vừa qua, Nhà máy chiếu xạ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chiếu xạ Toàn Phát (TPI) được Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) công nhận đủ điều kiện chiếu xạ trái cây xuất khẩu vào Mỹ với quy mô chiếu xạ 10.000 tấn/năm. Trước đó, Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn của Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Sơn Sơn là đơn vị đầu tiên thực hiện dịch vụ chiếu xạ trái cây đi Mỹ.
Việc thêm 1 nhà máy chiếu xạ được công nhận và đưa vào thực hiện đã góp phần mở rộng mạng lưới chiếu xạ nông sản xuất khẩu, giảm giá thành chiếu xạ để từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tại thị trường quốc tế. Theo hợp đồng ký với phía Mỹ, từ tháng 9/2022, Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn sẽ bắt đầu chiếu xạ lô quả tươi đầu tiên để xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Cùng với nhà máy chiếu xạ, công ty cũng xây dựng kho lạnh với sức chứa 10.000 tấn để bảo quản nông sản, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tại thời điểm hiện nay, nông sản tươi của Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ đang bị hạn chế do chi phí logistics (vận chuyển đường biển, đường hàng không) cao quá mức, dẫn tới chi phí đưa nông sản tươi của Việt Nam sang Mỹ càng bị cạnh tranh và giá bán tới người tiêu dùng ở mức quá cao đã làm giảm sức mua của thị trường Mỹ. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục khuyến khích việc xã hội hóa đầu tư các trung tâm chiếu xạ để hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành, người dân được hưởng lợi và góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hợp tác với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng dự án Trung tâm chiếu xạ Cần Thơ, dự kiến dự án khởi công vào tháng 10/2022. Việc xây dựng Trung tâm chiếu xạ Cần Thơ là giải pháp để Cần Thơ đảm trách vai trò trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, góp phần giải quyết đầu ra cho hàng nông sản của vùng đất nhiều tiềm năng này.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới chiếu xạ, tăng năng lực chiếu xạ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam là hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất bền vững với các hợp tác xã, nông dân để họ yên tâm phát triển vùng nguyên liệu đủ lớn và đảm bảo chất lượng để có thể xuất khẩu vào chuỗi hệ thống siêu thị hoặc các doanh nghiệp lớn tại các thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hàn Quốc...
Hướng tới hoàn thiện chuỗi sản xuất
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi thị trường xuất khẩu khác nhau có những hàng rào kỹ thuật khác nhau, những sản phẩm nông sản xuất khẩu đều có mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, canh tác theo tiêu chuẩn, đảm bảo hàng rào kỹ thuật... nhưng nhìn chung xu hướng các thị trường đều khuyến khích canh tác bằng phân hữu cơ, sản xuất sạch.
Trong xuất khẩu, nếu doanh nghiệp và người trồng không theo sát và để xảy ra vi phạm một sản phẩm thì sẽ ảnh hưởng không chỉ riêng mình mà còn ảnh hưởng đến nền nông nghiệp đất nước. Bởi vậy, việc liên kết giám sát vùng trồng, hoàn thiện chuỗi sản xuất an toàn luôn được ưu tiên hàng đầu.
Trước đây, do tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết tạo ra vùng trồng rộng lớn theo quy chuẩn, thiếu sự kết hợp giữa nông dân và doanh nghiệp dẫn tới hàng hóa nông sản không đảm bảo năng suất, chất lượng không đồng nhất, sử dụng phân bón không hợp lý và thiếu kiểm soát... đã ảnh hưởng tới vấn đề an toàn thực phẩm, khó khăn trong xuất khẩu. Hiện nay, để hướng tới thúc đẩy xuất khẩu nông sản, các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Các địa phương đang nỗ lực để hướng tới hoàn thiện chuỗi sản xuất, tạo ra nền sản xuất sạch, vừa giúp giảm chi phí vừa đảm bảo vấn đề xuất khẩu thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để tận dụng cơ hội khi Việt Nam hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, nông sản Việt cần tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất cùng với việc nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo báo cáo, xuất khẩu nửa đầu năm 2022 đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét khi các nhóm hàng chủ lực đều duy trì đà tăng cao, quy mô xuất khẩu cũng được nâng lên sau khi số mặt hàng xuất khẩu tỷ USD gia tăng tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế. Trong tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước, tính chung nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ sau một thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19, ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thị trường Liên minh châu Âu, các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu... tiếp tục đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm 2022.
Với thị trường Trung Quốc, nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau thị trường Mỹ, nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu bởi chính sách “Zero COVID” với tất cả các nước nhập khẩu, nên việc hoàn thiện chuỗi sản xuất, kiểm soát hàng hóa từ sản xuất, đóng gói, vận chuyển... đảm bảo trong kiểm soát dịch rất quan trọng. Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để không chỉ đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường như: Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản..., Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nói.
Báo Tin tức