Củng cố bản chất tiên tiến của giai cấp công nhân
Là giai cấp được sinh ra từ nền sản xuất đại công nghiệp, có trình độ sản xuất hiện đại nhất, tiên tiến nhất, được trang bị và đổi mới, phát triển không ngừng về tri thức và kỹ năng, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử to lớn với quá trình phát triển văn minh nhân loại. Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục củng cố những điều kiện cho tính chất tiên tiến của giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm gia tăng số lượng công nhân trên thế giới. Những suy đoán cho rằng máy móc sự phát triển của công nghệ sẽ thay thế sức lao động của con người, làm suy giảm việc làm của người lao động thực ra chỉ có một nửa sự thật. Thực tế, sự ứng dụng máy móc và công nghệ tạo ra số việc làm mới nhiều hơn số việc làm bị mất đi. Đây là khẳng định của nhiều kết quả nghiên cứu, mà một trong số đó là Báo cáo Tương lai nghề nghiệp 2018 (The Future of Jobs 2018) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), cho rằng tới năm 2022, khoảng 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế nhưng sẽ có khoảng 133 triệu việc làm được tạo ra ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Những kết quả trên cho thấy quy mô và sự phát triển liên tục của giai cấp công nhân đã khẳng định vị trí ngày càng vững chắc mà giai cấp công nhân nắm giữ trong sự phát triển năng động của hệ thống tư bản. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi loại hình việc làm chứ không làm giảm số lượng việc làm, số lượng tăng tập trung ở lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao. Những luận điểm kiểu như “Hiện nay số phần trăm công nhân làm việc ở các ngành sản xuất trong các quốc gia tiên tiến đã và đang giảm trong 20 năm qua... do sự co lại về sản xuất trong thế giới công nghiệp của Alvin Toffler hay “Kinh tế tri thức làm “không có người ở nhà máy”, dùng máy tính và người máy để điều khiển lao động..., nên dẫn đến sự thu hẹp của giai cấp vô sản công nghiệp, từ đó “giai cấp công nhân trong thời đại kinh tế công nghiệp cũng mất đi vai trò quan trọng trong xã hội” của Lưu Bảo Quốc đã bị thực tế phủ định.
Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần nâng cao trình độ của công nhân. Sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo đòi hỏi những người công nhân phải có trình độ cao hơn những kỹ năng cơ bản, phải được đào tạo, nâng cao trình độ để thích nghi, với hệ thống các kỹ năng cứng (trước hết là các kỹ năng số) và kỹ năng mềm (nhât là kỹ năng sáng tạo, tư duy phân tích và phản biện, khả năng giải quyết vấn đề phức tạp). Do đó, bộ phận công nhân có trình độ cao ngày càng tăng, với những lao động gián tiếp như công nhân “cổ trắng” (white - collar worker), công nhân “cổ vàng” (gold - collar worker), công nhân trí thức (Knowledge worker). Nhưng điều này không có nghĩa là những luận thuyết như “Thuyết tiêu vong”, “Thuyết tan rã”, “Thuyết giai tầng trung gian” – với nội dung chủ yếu là giai cấp công nhân – gắn với lao động chân tay đã bị thay thế bởi “giai cấp trung lưu mới” – gắn với lao động trí thức, là đúng. Những bộ phận này về bản chất là công nhân trí thức - những người làm chủ công nghệ mới thông qua việc sáng chế, điều khiển nó, nhằm phục vụ quá trình sản xuất rất đa dạng, mới mẻ và các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp và hoạt động theo lối công nghiệp trong xã hội mới.
Nâng cao khả năng thống nhất, đoàn kết của giai cấp công nhân
Tính thống nhất của giai cấp công nhân trước hết được dựa trên cơ sở của sự liên kết ngày càng mạnh mẽ trong quá trình lao động, giữa bộ phận này với bộ phận khác, giữa tổ chức này với tổ chức khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Phân công lao động quốc tế đã thay đổi bản chất từ chiều dọc sang chiều ngang; sản xuất và trao đổi theo các chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành phổ biến trong liên kết quốc tế. Trên nền tảng đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư càng phát huy, kết nối toàn cầu trong sản xuất và dịch vụ. Việc sử dụng thành tựu về công nghệ của 4.0 khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu được tổ chức lại từ việc thiết kế, lập kế hoạch, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, vận chuyển, tác động trực tiếp đến phân công và liên kết giai cấp công nhân toàn cầu.
Mặt khác, những tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tác động đến tính thống nhất, tính chiến đấu của giai công nhân. Sự phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt với các phân đoạn tay nghề và mức lương ngày càng khác biệt giữa những nhóm lao động sẽ làm gia tăng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội; sự thiếu cân bằng giữa lao động và các hoạt động tái tạo sức lao động, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực về tâm lý (hiện tượng “karoshi” ở Nhật Bản). Điều đó dẫn tới những hành động mạnh mẽ của công nhân, lao động ở một số nước tư bản nhằm chống lại sự bất bình đẳng xã hội Mặc dù đây chưa phải là biểu hiện của tính thống nhất cao nhất khi giai cấp nhận thức được về lợi ích cùng chung ý thức hệ, “ý thức về điều kiện giải phóng”, nhưng đây cũng là những dấu hiệu của “một cuộc đấu tranh phía trước”. Điều này đã góp phần phủ nhận luận điệu cho rằng “những người vô sản trên thế giới ngày càng bị phân tán”. Ở các nước phát triển theo con đường XHCN, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại những thuận lợi cho quá trình phát triển giai cấp công nhân về lượng và chất.
Nhìn một cách tổng thể, những uan điểm phủ nhận vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong bối cảnh phát triển của công nghệ mới chỉ là những cái nhìn bề nổi, hình thức, hiện tượng. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến bản chất vốn luôn “động” của công cụ lao động hiện đại, làm biến đổi chủ thể lao động một cách biện chứng dưới nhiều khía cạnh. Đó là xu hướng thay đổi cơ cấu lao động theo hướng tăng lên là chủ đạo và tăng về lao động trí óc, công nhân tri thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa thúc đẩy tính liên kết, tập trung, vừa tạo ra sự phân hoá trong giai cấp công nhân nhưng xu hướng tập trung là chủ đạo, sự phân hóa chỉ là biểu hiện tạm thời./.
N.T.H