Ảnh minh họa: Internet
Khoảng những năm 2000 trở về trước, việc đỗ đại học được coi là đại hỷ khi cả lớp, thậm chí là cả trường có số học sinh đỗ đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Con đỗ, nhà thịt cả con lợn, làm chục mâm cơm mời họ hàng, chòm xóm chung vui; tối đến còn kéo sang uống nước chúc mừng, tặng quyển vở, cây bút, gọi là quà nhập học… Ngày đó, đỗ đại học là hiếm và vì hiếm nên được quý trọng.
Còn nay, có học sinh chưa thi tốt nghiệp THPT đã đỗ đến vài chục trường. Có học sinh, từ bé đến lớn chỉ đạt học lực trung bình cũng tận mươi trường gọi nhập học… Nhiều người tếu táo cho rằng, giờ đỗ đại học là của số đông, còn trượt đại học mới là... của hiếm. Đại học không còn được trọng vọng như trước - dù để vào được trường tốp đầu vẫn là điều cực khó, đòi hỏi ngoài tư chất còn phải có quá trình học tập nghiêm túc và cầu thị.
Năm 2023, có đến 92,7% thí sinh đăng ký xét tuyển trúng tuyển đại học đợt 1. Nguyên nhân bởi, sau khi biết điểm thi, cơ sở đại học công bố điểm sàn, tìm hiểu kỹ điểm chuẩn của các mùa tuyển sinh trước cùng sự tham vấn bởi nhiều kênh thông tin thì thí sinh mới phải đặt bút nguyện vọng xét tuyển. Không những vậy, thí sinh được thoải mái điều chỉnh và không giới hạn nguyện vọng…
Những tưởng, đỗ nhiều thì nhập học nhiều nhưng thực tế không phải vậy. Bộ GD&ĐT thông tin, năm nay, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên Hệ thống là 494.488 em. So với số thí sinh trúng tuyển đợt 1, tỷ lệ xác nhận nhập học trực tuyến chiếm 80,8%; 19,2% thí sinh còn lại (khoảng trên 117.000 em) từ chối nhập học. Lý do được liệt kê ra như khó khăn tài chính, đi du học, học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm ngay, ngành học không đúng nguyện vọng, chờ xét tuyển bổ sung... Tình trạng này cũng xảy ra tương tự trong mùa tuyển sinh năm 2022 khi hơn 103.000 thí sinh không nhập học.
Nhìn ở góc độ tích cực, một bộ phận học sinh, phụ huynh đã có sự thay đổi nhận thức, chuyển hướng sang chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực và không chạy theo hư danh, không còn tư duy chuộng bằng cấp như trước. Họ đã có kinh nghiệm để không còn mơ hồ khi phải mất đến 4 năm học, cộng một khoản tiền lớn, đổi lại có tấm bằng đại học không phù hợp hoặc không dùng đến sau khi đi làm.
Không phủ nhận những cải tiến kỹ thuật trong công tác tuyển sinh năm 2023 giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu sai sót cho các thí sinh. Tuy nhiên, việc tồn tại quá nhiều phương thức tuyển sinh vẫn ít nhiều gây rối cho thí sinh, phụ huynh vì phải mất thời gian loay hoay chọn lựa phương thức phù hợp.
Cũng nhiều người đặt nêu câu hỏi: hệ thống lọc ảo của Bộ GD&ĐT đã thực sự phát huy hiệu quả chưa khi chỉ hơn 50% cơ sở đại học tham gia hệ thống lọc ảo chung (58 trường đại học phía Bắc do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì và 86 trường phía Nam do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì).
Bên cạnh đó, tỷ lệ thí sinh ảo tại từng trường cũng rất khác nhau. Do chênh lệch về số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nên nhiều trường tuyển không đến 50% chỉ tiêu. Hàng trăm trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung; trong đó, nhiều trường đã phải công bố xét tuyển bổ sung ngay sau khi thông báo kết quả xét tuyển đợt 1.
Thiết nghĩ, việc lặp lại tình trạng hơn 100.000 thí sinh bỏ nhập học trong khi không ít trường thiếu sinh viên là điều cần được Bộ GD&ĐT xem xét; nhìn nhận khách quan. Đồng thời có phương án hợp lý để tiếp tục điều chỉnh nhằm bảo đảm tính công bằng, hiệu quả trong công tác tuyển sinh.
KT&ĐT