Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sáng 14.12.2021. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến", "lạt mềm buộc chặt", "mềm nắn rắn buông”.
Nhìn lại những bài học lịch sử, chúng ta cũng thấy rằng, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, dù ở thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh, vững vàng vận dụng đường lối đối ngoại hết sức linh hoạt, khôn khéo. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Người sang Pháp năm 1946 là một minh chứng rõ nét.
Trước tình thế khả năng hòa hoãn ngày càng giảm, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng M.Moutet, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị các thế lực thực dân phản động Pháp ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp cũng đã làm cho nhiều người trong Chính phủ Pháp, nhân dân Pháp và dư luận quốc tế chú ý và hiểu rõ về đất nước, con người Việt Nam, về khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Khi Hiệp định Genève năm 1954 bị đế quốc và bè lũ tay sai phá vỡ, Đảng và Nhà nước ta đã xác định kết hợp 3 mặt trận đấu tranh để thống nhất đất nước là chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong đó, đỉnh cao của đấu tranh ngoại giao là cuộc đấu trí trên bàn đàm phán đi tới ký kết Hiệp định Pari 1973, tiền đề cho Đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước, giang sơn về một mối.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, sau 35 năm, công tác đối ngoại đã phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Như Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, những thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại là: Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước, Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới” như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương và đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Đối ngoại cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ chủ trương đại đoàn kết dân tộc cũng như tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của kiều bào. Chỉ trong 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, chúng ta đã triển khai công tác ngoại giao y tế/ngoại giao vaccine rất kịp thời và hiệu quả, đến nay đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, góp phần quan trọng cho công tác phòng, chống dịch đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó có lẽ cũng là lý do mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương”. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức một hội nghị để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực; đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Chúng ta cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Nhiều giải pháp đã được đề ra cho cả công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Với tâm thế mới và bản sắc “cây tre Việt Nam”, công tác đối ngoại sẽ tiếp tục góp sức đưa đất nước trở nên hùng cường như khát vọng vươn mình trong truyền thuyết Thánh Gióng của nhân dân ta./.
Nguồn TTXVN