Xác định rõ mục tiêu đấu tranh
Trong quá trình đấu tranh phản bác, phản biện, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải nhận thức rằng đối tượng mà người làm báo muốn đấu tranh (xin gọi là phía đối phương) cũng có không ít người kiến thức rất rộng, trình độ rất cao, lý luận rất tốt, nhiều người có vị thế xã hội. Điều này cũng đã được chỉ rõ tại Nghị quyết 35-NQ/TW, đó là ”một số cán bộ, đảng viên (có những đảng viên đã từng giữ chức vụ trung, cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của nước ta) suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lực lượng này len lỏi, phức tạp, không khó để nhận ra nhưng lại rất khó để đấu tranh. Đây là những người phản bội lại quá khứ, phản bội lại lý tưởng, và nguyên nhân của sự phản bội đó đôi khi lại bắt nguồn từ sự bất mãn, không đồng ý một số vấn đề cụ thể trong chính sách, ứng xử của những cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác”.
Nên phía ta phản bác thì đối phương cũng phản bác, ta phản biện thì đối phương cũng phản biện. Dàn thành mặt trận, nếu lực lượng ta non yếu thì thành quả đấu tranh không những không đạt được như mong muốn mà rất có thể ngược lại. Trong nhiều sự kiện, có những bài viết của phía ta thể hiện rất non nớt, chạy theo phong trào, có khi là ngô nghê, nhận thức nông cạn, hớ hênh, thậm chí làm trò cười cho phía đối phương. Chẳng hạn, trong quan hệ đối ngoại, cụ thể là ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, âm mưa chia rẽ mối quan hệ này của các thế lực thù địch là rất rõ, vì nó không những nhằm phá vỡ sự ổn định phát triển của đất nước, mà sâu xa là phá vỡ những thành trì tư tưởng của Đảng Cộng sản trên toàn thế giới. Âm mưu của nó nằm trong kế hoạch “diễn biến hòa bình”, dẫn đến nhiều người trong giới trí thức bao gồm cả nhà báo từng bước bị thấm nhiễm, sa bẫy thủ đoạn là khơi dậy những mâu thuẫn trong quan hệ Việt - Trung.
Đáng nói, không ít nhà báo lại đem tư tưởng cá nhân ấy vào trong tác phẩm, và cũng không ít người đứng đầu các cơ quan báo chí lại duyệt cho đăng. Từ chuyện chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, đến những câu chuyện như nông sản ách tắc, vắc – xin phòng dịch Covid-19, xung đột Nga -Ukraine… cũng quy hết thành “âm mưu, thủ đoạn” của nước láng giềng. Nên mới có chuyện khi tàu chiến Trung Quốc xuất hiện trên biển Đông thì nhiều tờ báo rầm rầm phản đối, nhưng khi tàu Mỹ đến cũng những tờ báo ấy lại có vẻ hoan hỉ? Ơ hay, đã là chủ quyền thì kẻ nào xâm phạm mà chẳng phải đấu tranh bảo vệ, đâu cứ là Tây hay Tàu? Nói nhận thức của một số người làm báo “có vấn đề” là ở chỗ ấy, họ không dựa trên nền tảng cốt lõi các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà chỉ dựa vào cảm tính để phản biện.
Cho thấy, báo chí muốn đấu tranh phản bác, phản biện để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải bám sát vào hệ thống được phát triển từ nền tảng tư tưởng của Đảng, lấy đó làm thước đo, phải phân biệt rõ tư tưởng của Đảng với quan điểm cảm tính của một vài cá nhân có vị thế trong Đảng. Những biểu hiện khác cũng phát sinh khá phổ biến trong thực tế, rằng không ít cơ quan báo chí, không ít bài viết chỉ thực hiện theo quan điểm “cấp trên” mà ngộ nhận đó là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong nhiều trường hợp, nếu nhận thức sâu, không khó thấy có những quan điểm cá nhân đã và đang đi lệch nền tảng tư tưởng của Đảng, điều này đã được xác thực khi các vụ án tham nhũng, các cán bộ vi phạm pháp luật lộ diện, cũng kéo theo cái lộ thô thiển của những tác phẩm trước đó “tiền hô, hậu ủng”.
Điều đáng bàn nữa là, bản chất của đấu tranh phản bác, phản biện bảo vệ tư tưởng của Đảng là tính chiến đấu, đã là chiến đấu thì phải có kẻ thù và luôn gặp sự chống trả quyết liệt từ phía kẻ thù. Nên khi thực hiện các tác phẩm báo chí dạng hình này, các tác giả và cơ quan báo chí phải kiên định lập trường, kiên trì bản lĩnh và kiên tâm nhiệm vụ. Trong đấu tranh, phải phân biệt rõ đâu là Nhân dân để phục vụ, đâu là các đối tượng chống đối, thù địch, chứ không vì lệ thuộc vào hai từ “dân chủ” mà đánh đồng tất cả vào chữ Nhân dân. Để khi gặp sự chống trả, chúng ta mới có thể xác định rõ muc tiêu chiến đấu, không đánh mất phương hướng và giành chiến thắng.
Thực tế cũng cho thấy, đa số các bài viết phản bác, phản biện đều gặp phải sự phản kháng. Những đối tượng phản kháng thường mượn chiêu bài “dân chủ”, núp bóng “công dân” để yêu sách, đây là một dạng bẫy của đối phương với các cơ quan truyền thông, nếu không nhận thức đúng đắn và thiếu bản lĩnh, người làm báo rất dễ sập bẫy. Chẳng hạn, khi một cơ quan báo chí của ngành Công an viết bài cảnh báo về chiêu trò lợi dụng tín ngưỡng Pháp Luân Công để tác động tư tưởng xấu tới tín đồ trong nước. Ngay lập tức các đối tượng phản kháng mượn danh “công dân” gửi hàng trăm lá đơn đến các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, yêu cầu xử lý cơ quan báo chí này.
Quá trình xử lý, đã có những tổ chức, cá nhân dao động. Nhưng qua thẩm định, yêu sách của các đối tượng là không có cơ sở pháp lý, khi tư cách “công dân” của họ không bị ảnh hưởng hậu quả từ bài viết, họ càng không phải đại diện cho tổ chức Pháp Luân Công, đơn giản vì tổ chức này chưa được phép hoạt động tại Việt Nam. Thực tế qua xác minh, những người mượn danh “công dân” gửi đơn chính là những đối tượng có mối quan hệ phức tạp với các tổ chức thù địch ngoài Việt Nam. Giả như, nếu các cơ quan chức năng cũng như báo chí liên quan vì lệ theo “quyền công dân” mà phản hồi thuận chiều, rất có thể ngay lập tức các đối tượng sẽ mượn đó làm chứng cứ, để củng cố cho luận điệu của mình, tìm cách hợp pháp hóa hoạt động của Pháp Luân Công. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Khẳng định vai trò người đứng đầu
Liên quan đến vấn đề trên, cho thấy vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Những người đứng đầu các cơ quan báo chí phải có trình độ lý luận chính trị thực sự, hiểu sâu, hiểu rõ và nhạy bén với diễn biến thời cuộc và rất cần sự dũng cảm, để quyết định điều hành hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cũng như đủ tầm thẩm địch những tác phẩm báo chí thực hiện nhiệm vụ này. Nếu người đứng đầu chỉ vì e sợ vị trí của mình bị lung lay, cũng có thể trước đó đã từng bị xử lý vì một sự cố nào đó mà lo ngại trách nhiệm, hoặc bản thân tư tưởng có vấn đề, thì dù đội ngũ nhà báo trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh có tốt đến cỡ nào, sắc bén đến cỡ nào cũng khó có được sân diễn để đăng đàn.
Những năm qua, cũng có không ít người từng đứng đầu các cơ quan báo chí, khi đương chức tìm mọi cách để củng cố địa vị, không có quan điểm cụ thể, cũng chẳng làm được việc gì đáng kể có ích cho Dân cho Đảng. Nhưng khi nghỉ hưu thì tỏ rõ thái độ bất mãn, bất đồng chính kiến, phản bác, phản biện vô tội vạ, có những người còn phản bội quá khứ, đem tư tưởng “đầu thai” cho đối tượng thù địch. Vậy chiến đấu với ai, khi mà kẻ thù của triết lý ấy đang ở trong chính mình.
Như đã đề cập, bản chất đấu tranh phản bác, phản biện để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan báo chí chính thống, bởi hệ thống báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết 35-NQ/TW cũng xác định rất rõ, trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông quan trọng bậc nhất. Nhưng bên cạnh nghĩa vụ, trách nhiệm, người làm báo cần phải không ngừng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn và thích ứng với tình hình thời cuộc, tránh sa đà, giáo điều, sáo rỗng. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải “tròn vai, thuộc bài”, phải biết “ tự soi, tự sửa”, nếu không rõ mình và tầm tâm mình chưa đủ, thì đừng nói đến những nhiệm vụ lớn lao, cao cả khác.
Ở một góc nhìn khác, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ phương diện báo chí, từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng một hệ thống quy mô chặt chẽ, cụ thể là các cơ quan định hướng tư tưởng, quản lý hoạt động báo chí, tham mưu về công tác báo chí. Nhưng vấn đề đặt ra là hiệu quả còn phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ thực thi nhiệm vụ này. Trong bối cảnh xu thế thời đại liên tục phát triển, tình hình trong nước và thế giới cũng liên tục thay đổi, xuất hiện những giá trị mới, tư tưởng mới, trong đó có những bất lợi cho công cuộc phát triển của Việt Nam.
Thách thức và mức độ nguy hiểm từ các thế lực chống đối, thù địch ngày càng gia tăng, đòi hỏi đội ngũ những người làm báo nói riêng và hệ thống bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung phải luôn có sự nhạy bén, kịp thời và thống nhất trong nhận thức. Để từ đó định hướng cho hoạt động báo chí, tạo thành một mặt trận đồng ý chí, đồng hành động, đồng mục tiêu chiến đấu, tránh sự phân hóa, có khi là đối nghịch về nhận thức giữa các cơ quan báo chí với nhau.
Kinh nghiệm từ cuộc sống, có những cây mục ruỗng là tự đổ, nhưng có loài cây khi gốc mục ruỗng biết tự lao những chùm rễ trên thân cắm xuống sẽ được trường tồn. Để lựa chọn, ai chẳng muốn mình trường tồn, ngoại trừ những ai muốn “đục nước béo cò”, hoặc ngộ rằng mình là vĩ nhân, muốn phất cờ trên đỉnh ngọn cây, hoặc hiến tư tưởng vào vòng đồi bại. Nên lẽ, cách mạng là sự thay đổi, thì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, mỗi người làm báo hãy cách mạng chính những thói hư tật xấu trong mình đã, trước khi nói đến chuyện cống hiến lời hay ý đẹp cho mọi người. Đối với nhiệm vụ đấu tranh, phản bác, phản biện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng vậy./.
Minh Thắng