Kể từ khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh Niên ngày 21/6/1925 - Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển, góp phần vô cùng to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi giai đoạn khác nhau. Bên cạnh công tác thông tin, tuyền truyền, báo chí cách mạng cũng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, là công cụ sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong hoàn cảnh đất nước đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng, vai trò của hệ thống báo chí càng được khẳng định, đặc biệt là nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phản biện các quan điểm lệch lạc, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả tích cực, quá trình du nhập tư tưởng bên ngoài, sự phát triển có phần ồ ạt từ tác động của bùng nổ công nghệ thông tin, cùng sự non yếu về trình độ nhận thức của một bộ phận người làm báo và những nguyên nhân khác, công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhìn từ phương diện báo chí cũng chưa thực sự đạt hiệu quả toàn diện như mong muốn.
Những biểu hiện thời gian qua cho thấy, có không ít cơ quan báo chí hoặc người làm báo đã xa rời nhiệm vụ này, cho rằng trách nhiệm đấu tranh, phản bác, phản biện, bảo vệ nền tảng của Đảng là tôn chỉ của các cơ quan báo chuyên ngành của Đảng, của Nhà nước, của lực lượng vũ trang..? Nhưng cần phải khẳng định rằng, báo chí của chúng ta là nền báo chí cách mạng, hoạt động báo chí dù thuộc cơ quan quản lý nào cũng thống nhất nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì vậy bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan báo chí chính thống cũng như mỗi người làm báo trong các cơ quan đó.
Thực tế, muốn đấu tranh, phản bác, phản biện để bảo vệ, thì điều đầu tiên phải hiểu rõ thế nào là nền tảng tư tưởng của Đảng? Một khái niệm tưởng như người làm báo nào cũng biết, cũng hiểu, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
Đảng ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, vì vậy nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là cơ sở thể chế hóa thành hệ thống các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật, cơ chế vận hành của đất nước, đó là thành quả của cách mạng Việt Nam, từng bước được hoàn thiện theo chiều dài lịch sử. Từ nhận thức này, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là dựa vào nội hàm chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để bảo vệ những thành quả đó.
Cụ thể, Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Tuy nhiên nhìn vào hoạt động của hệ thống báo chí cách mạng những năm qua cho thấy, để đấu tranh phản bác, phản biện, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không phải người làm báo nào cũng có thể thực hiện, nếu không vững về chuyên môn, hiểu rõ hệ thống tư tưởng của Đảng, có lập luận và lý luận vững chắc, ngôn ngữ sắc bén. Từ đó phân biệt rõ điều gì cần bảo vệ, cái gì cần phản bác, phản biện, viết như thế nào, ở quy mô nào, vào thời điểm nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Vì vậy, xây dựng một đội ngũ những cây bút biết bảo vệ, biết phản bác, biết phản biện là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần được chuyên nghiệp hóa.
Nhìn vào thực tiễn, xin nhắc lại vụ việc được gọi là “vụ cưỡng chế đầm tôm ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng” xảy ra vào năm 2012. Đây là vụ việc điển hình dẫn đến từ một vấn đề không phải là cá biệt của cấp cơ sở, nhưng nhanh chóng bị thổi bùng thành sự kiện truyền thông vô cùng lớn, trở thành đề tài khai thác của hàng vạn bài báo cả trong và ngoài nước. Điều đáng nói là, ngay trong hệ thống báo chí chính thống, đã xảy ra những quan điểm bất đồng, phần lớn dựa trên cảm tính và sự ngộ nhận về pháp luật. Trong đó, rất có thể có cả những toan tính về lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị mà người làm báo đôi khi chỉ là công cụ, phương tiện, thậm chí là nạn nhân của sự vồ vập và non kém về trình độ.
Cuối cùng thì dù người bênh, kẻ chống, nhưng những “địa chủ kiểu mới” mạo xưng nông dân, “cường hào kiểu mới” mạo xưng cán bộ của Đảng trong vụ việc đều phải đứng trước vành móng ngựa, chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Đây là bài học sâu sắc của hoạt động báo chí trong đấu tranh phản bác, phản biện, kể cả tư duy lẫn đạo đức nghề nghiệp. Bởi nếu ai từng quan tâm và hiểu rõ sự kiện này, sẽ thấy phương pháp, hình thức đấu tranh của truyền thông và kết quả thực tế rất trái ngược, có thể do cả vô tình hay cố ý, mà một bộ phận không nhỏ trong hoạt động báo chí liên quan đã đi lệch hướng tôn chỉ, mục địch (còn tiếp)./.
Minh Thắng