Trên thực tế, báo chí giải pháp tham gia tích cực vào việc xác định các nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề xã hội; đề ra các câu trả lời cho vấn đề đó, thông qua ý kiến của chính tác giả hoặc dẫn lại từ các chuyên gia, các nhà quản lý…; đồng thời trình bày các nội dung đó bằng những cách thức phù hợp, dễ đọc, dễ hiểu, có tính xây dựng.
Thời gian qua, nhiều người đã nói đến khái niệm “báo chí giải pháp”, là một cách thức và mục tiêu hoạt động của báo chí có phần đối lập với “báo chí phê phán”. Trước đây, báo chí thường làm công việc vạch trần các hiện tượng chưa lành mạnh, tiêu cực trong đời sống xã hội, rồi phê phán, công kích nó. Điều đó góp phần cảnh báo, hạn chế, đẩy lùi nhiều hiện tượng sai trái, cả ở nhận thức lẫn hành vi, cả ở cá nhân lẫn cộng đồng. Tuy nhiên, có những lúc, tính chất phê phán được thực hiện quá dày, quá đậm, làm cho người đọc cảm thấy nặng nề bởi xã hội dường như có quá nhiều mảng tối. Sự chỉ trích có khi không chính xác hoặc “nặng lời”, làm tổn thương, thiệt hại đến những người có liên quan.
Ở hình thức “báo chí giải pháp”, báo chí bên cạnh việc phản ánh hay phê phán còn quan tâm nhiều đến việc nêu các giải pháp để xử lý, khắc phục hiện tượng mà mình vừa phản ánh hoặc phê phán. Đây là điều thể hiện sự tích cực của báo chí, bởi báo chí hay người làm báo cũng là một chủ thể tồn tại trong xã hội, cần thể hiện vai trò của mình và phải chủ động tham gia vào việc giải quyết các vấn đề của xã hội chứ không phải tự xem mình chỉ là người đứng bên cạnh quan sát. Việc đề ra giải pháp trở thành một trách nhiệm, một nghĩa vụ của người làm báo, của báo chí và cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Và báo chí cần chủ động tìm kiếm, phát hiện các vấn đề phản ánh - tức cũng là sự phản ánh, nhưng ở đây báo chí phải thực hiện bằng sự tích cực, chủ động chứ không phải “tình cờ thấy” hoặc khi có ai đó “đưa đến”. Yếu tố “phát hiện” ở đây có thể là phát hiện các vấn đề người dân đang quan tâm, có ảnh hưởng đến nhiều người. Từ sự phát hiện của báo chí, các cơ quan chức năng có thể vào cuộc để xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế hoặc khen thưởng các điển hình hay tạo điều kiện cho các mô hình, giải pháp mới tiếp tục phát triển.
Báo chí hiện đại, “báo chí hiến kế” không chỉ chủ động nêu ra vấn đề hay hiện tượng mà còn tích cực khắc phục, xử lý nó bằng trách nhiệm, tâm huyết và sự sáng tạo. Bản thân người làm báo, bằng thực tiễn, trải nghiệm, kinh nghiệm và am hiểu của mình có thể chủ động nêu các giải pháp, hoặc gợi mở, trao đổi để các chuyên gia, những người có trách nhiệm, những người có kiến thức sâu về lĩnh vực đó nêu lên các giải pháp, các đề xuất. Đương nhiên, điều được coi là “hiến kế” phải thực sự phù hợp, có ý nghĩa thiết thực chứ không phải các giải pháp chung chung, giải pháp “trên trời”… Kể cả “báo chí phản biện” cũng có thể xem là một loại “báo chí hiến kế” nếu sự phản biện dựa trên mục tiêu chung, có tính chất xây dựng và đồng thời đề ra được các giải pháp hiệu quả.
Thực tế, báo chí ngày càng được đòi hỏi nhiều hơn về việc phát hiện, nêu giải pháp và có những hiến kế đặc sắc. Xã hội và công chúng luôn đặt yêu cầu nhiều hơn về vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với đất nước, xã hội và cộng đồng. Và để thực hiện vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp, quan trọng nhất vẫn là phát huy cao độ tư duy, năng lực của mỗi tờ báo, mỗi người làm báo.
Nguồn SGGP