Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho rằng, trên thế giới, robot phóng viên được nhiều cơ quan báo chí ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thực hiện qua hệ thống AI. Hãng thông tấn AP (Mỹ) là cơ quan báo chí đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống AI để viết tin, công việc trước đó hầu như chỉ độc quyền do phóng viên đảm nhiệm.
Tại Nhật Bản, hệ thống AI có thể vừa lấy tin từ thị trường chứng khoán kết hợp với thông tin từ thông cáo báo chí để viết tin trong thời gian rất ngắn. Nhìn từ đời sống báo chí truyền thông tại một số nước có thể thấy, sử dụng robot sẽ giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, người làm báo luôn phải sản xuất nội dung trên nền tảng những hiểu biết căn bản về báo chí. Nếu bỏ qua nền tảng đó, nhà báo chỉ có “ngọn” mà mất cái “gốc”...
AI giảm bớt gánh nặng cho phóng viên, biên tập viên
Trên con đường phát triển, các cơ quan báo chí Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề gì, theo ông?
Hiện nay, các cơ quan báo chí tại Việt Nam đang phải đối mặt với 4 vấn đề trong quá trình phát triển.
Một là, nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn, có thể gây ra những tổn hại lớn.
Hai là, ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, thậm chí bị tác động bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp.
Ba là, xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao. Bốn là, sự thay đổi vai trò, vị thế của công chúng, đang từ thế bị động chuyển sang chủ động, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm báo chí truyền thông, đồng thời là người tham gia vào quá trình truyền tải thông tin.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện, các loại hình truyền thông xã hội như trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter, Youtube…) đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho hoạt động báo chí. Xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức cần sự chuyển đổi số tại các cơ quan chí, chuyển đổi từ tập trung cho báo in sang báo điện tử.
Đặc biệt, yêu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy, chính xác của bạn đọc đòi hỏi báo chí phải có sự đổi mới về công nghệ, tổ chức bộ máy để theo kịp xu thế đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan báo chí, nhất là báo in và tạp chí đang phải “oằn mình” chống chọi với các "thế lực" đến từ mạng xã hội.
Trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên nền tảng số, 90% dùng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI. Vậy chuyển đổi số và AI ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của báo chí hiện đại, nhất là kinh tế báo chí?
Trên thế giới, robot phóng viên được nhiều cơ quan báo chí ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thực hiện qua hệ thống AI. Hãng thông tấn AP (Mỹ) là cơ quan báo chí đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống AI để viết tin, công việc trước đó hầu như chỉ độc quyền do phóng viên đảm nhận. Tại Nhật Bản, hệ thống AI có thể vừa lấy tin từ thị trường chứng khoán kết hợp với thông tin từ thông cáo báo chí để viết tin trong thời gian rất ngắn.
Nhìn từ đời sống báo chí truyền thông tại một số nước có thể thấy, robot được sử dụng sẽ giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Đại học Oxford - Anh) vào đầu năm 2022 cho thấy, hơn 80% lãnh đạo tòa soạn báo ở nước này lo ngại tình trạng phóng viên bị quá tải vì công việc. Đồng thời, họ đang phải đối mặt với một thực tế là muốn tuyển dụng và giữ chân phóng viên có năng lực là vô cùng khó khăn.
Thực tế, AI đang giúp các cơ quan báo chí bước ra khỏi sự đơn điệu, chuyển mình để không bị bỏ lại phía sau. Nhưng liệu công nghệ này có thay thế nhà báo hay không?
AI sẽ có vai trò như những người giúp việc, giảm bớt gánh nặng cho phóng viên, biên tập viên như sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản sẽ tiết kiệm được số lượng thời gian bóc băng ghi âm của phóng viên…
Một ví dụ rất điển hình là robot viết tin bằng AI của dịch vụ tin tức Trung Quốc mang tên Toutiao. Trong 15 ngày diễn ra Olympic Rio 2016, robot này sản xuất được 450 tin. Mỗi tin có độ dài khoảng 100 từ. Qua đó, có thể thấy robot sản xuất được hàng loạt bản tin với mức độ chính xác rất cao trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng ở yếu tố đơn giản, lặp đi lặp lại, dựa trên những cái có sẵn mà không có tính sáng tạo. Đối với những sản phẩm báo chí điều tra hay yêu cầu tác nghiệp hiện trường, robot không thể thay thế con người.
Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, người làm báo luôn phải sản xuất nội dung trên nền tảng những hiểu biết căn bản về báo chí. Nếu bỏ qua nền tảng đó, nhà báo chỉ có “ngọn” mà mất cái “gốc”.
Theo Báo Quốc tế