Darnella Frazier, cô gái trẻ ghi hình vụ sát hại người da màu George Floyd bằng điện thoại di động của mình, vừa được trao giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer. Đại diện Ủy ban Giải thưởng Pulitzer cho biết: giải “Tác phẩm đặc biệt” được trao cho Frazier “vì dũng cảm ghi hình vụ sát hạt George Floyd, đoạn video đã thúc đẩy phong trào phản đối sự tàn bạo của cảnh sát khắp thế giới, làm nổi bật vai trò của công dân trong hành trình đi tìm sự thật và công lý của phóng viên”.
Cô gái Frazier 17 tuổi ghi lại cảnh George Floyd bị cảnh sát Derek Chauvin bắt giữ tại thành phố Minneapolis vào tháng 5/2020 khi đang đi dạo với người em họ chín tuổi. Đoạn ghi hình của Frazier sau đó trở thành một bằng chứng then chốt tại phiên xét xử cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin. Đồng thời, đoạn ghi hình giúp một cô gái trẻ vô danh đạt giải thưởng báo chí danh giá này cũng chứng minh một thực tế: ngày nay, độc giả cũng có thể trở thành một nhà báo.
Xa lộ thông tin dành cho mọi người
Báo cáo của hãng Social Media Stats cho biết, tính đến tháng 5/2019, có đến hơn 57% người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook, 13% người dùng Twitter, 12,8% người dùng YouTube... Những con số này chắc chắn đã tăng cao hơn nhiều trong hai năm trở lại đây.
Với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, mạng xã hội đang là một kênh tin tức được đông đảo công chúng lựa chọn. Thậm chí, với mạng xã hội, mỗi chủ tài khoản có thể trở thành những nhà báo công dân bằng cách tự đưa tin, hay trở thành những biên tập viên bằng cách chia sẻ với bạn bè về những xu hướng tin tức trên mạng xã hội. Mặc dù những tin tức này được truyền tải một cách rất đơn giản nhưng nó đáp ứng được tiêu chí nhanh, thỏa mãn được nhu cầu tiếp cận thông tin tức thời của bạn đọc.
Công chúng có thể tiếp cận thông tin trên nhiều các nền tảng khác nhau: máy tính, thiết bị di động, báo trực tuyến và đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo...
Chẳng hạn, cả nhà báo và người sử dụng mạng xã hội cùng có mặt tại một sự kiện. Người dùng mạng xã hội có thể livestream trực tiếp trên kênh Facebook để cho “khán giả” của mình xem. Chỉ một vài giây sau, người dùng Facebook đã thấy thông tin này và nhanh chóng chia sẻ trên trang cá nhân, các hội nhóm trên Facebook để nhiều người khác cùng xem. Trong khi đó, nhà báo phải chụp hình, viết tin, gửi về tòa soạn rồi mới có thể đăng tải hay phát sóng...
Độc giả ngày hôm nay có thể xem một bản tin thời sự nóng hổi trên TV, nhưng ngày mai họ cũng có thể say sưa theo dõi một scandal của người nổi tiếng phía bên kia đại dương... Trong cùng một gia đình, có thể người này chọn đọc những bài báo “dài và chậm” kiểu eMagazine cùng lúc với một người khác đang mở livestream của một “thánh chửi” nào đó...
Có thể nói, chính người dùng, chứ không phải các cơ quan sản xuất tin tức, đang chi phối quá trình phân phối tin tức. Vì thế, báo chí chính thống đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Nói như vậy không có nghĩa là mạng xã hội không có ích gì cho nhà báo.
Ngược lại, nhà báo giờ đây đã biết cách tận dụng, khai thác mạng xã hội cho công việc. Chẳng hạn, việc một cụ ông chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi người bạn già bị tàn tật tại Tp.HCM được một người dùng Facebook chia sẻ trên trang cá nhân của mình, rồi nhiều người khác chia sẻ lại nhằm kêu gọi mọi người giúp đỡ cụ ông. Sau đó, phóng viên của các tòa soạn báo lần theo thông tin này đến phỏng vấn, viết bài về hoàn cảnh của hai người bạn già đang nương tựa vào nhau...
Nếu như ưu thế của mạng xã hội là tin tức đưa đến người xem cực nhanh, thì báo chí chính thống chấp nhận chậm lại một chút, nhưng phải cung cấp được thông tin có chất lượng, chuẩn xác hơn hẳn so với mạng xã hội.
Không chỉ trang cá nhân, nhiều group (nhóm) chuyên môn cũng được tạo ra trên Facebook. Đó là nguồn tin vô cùng phong phú và quý giá cho người làm báo. Chẳng hạn, các group khá nổi tiếng trên Facebook hiện nay như Otofun hay Bạn hữu phương xa luôn có những thông tin, hình ảnh, video siêu nhanh về các sự cố giao thông, giúp người làm báo có thể tiếp cận hiện trường nhanh hơn các phương thức “săn” tin truyền thống.
Tuy nhiên, đã có nhiều “tai nạn” báo chí xảy ra khi nhà báo dùng nguồn tin trên mạng xã hội nhưng không kiểm chứng thông tin. Khác với các kênh truyền thông truyền thống có biên tập viên chịu trách nhiệm sàng lọc thông tin sai lệch hoặc những nguồn tin thiếu chính xác, đối với mạng xã hội, ai cũng có thể lan truyền thông tin giả mạo. Người làm báo phải hết sức cẩn trọng và xác minh cho bằng được thông tin rồi mới truyền tải đến độc giả.
Đừng đối đầu, hãy chung sống
Nói có vẻ hơi quá, nhưng thực tế hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông tin, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau.
Vậy làm thế nào để báo chí có thể “quyến rũ” được người xem nhằm kéo họ khỏi “vòng tay” của mạng xã hội? Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, có ba yếu tố then chốt.
Một, báo chí phải trở thành kênh thông tin được người dùng chọn lựa. Để làm được điều này, thông tin đăng tải trên báo chí chính thống phải có chất lượng cao, có tính chân thực, xác tín, phản ánh đa chiều. Hai, báo chí phải tạo được cơ chế tác quyền cho thông tin sản xuất ra. Các thông tin do các đơn vị báo chí và truyền thông sản xuất phải được phân phối đến người xem theo những quy định về bản quyền. Ba, phải tạo được doanh thu cho báo chí chính thống từ người xem, để từ đó báo chí chính thống có thể tái đầu tư cho sản xuất các tin bài chất lượng.
Trong khi mạng xã hội là nơi phát tán thông tin chưa qua kiểm định, thì truyền thông chính thống phải có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin chuẩn xác tới công chúng.
Nếu như ưu thế của mạng xã hội là tin tức đưa đến người xem cực nhanh, thì báo chí chính thống chấp nhận chậm lại một chút, nhưng phải cung cấp được thông tin có chất lượng, chuẩn xác hơn hẳn so với mạng xã hội.
Thực tế cho thấy báo chí thế giới cũng đang đi theo tiêu chí này. Tờ The New York Times của Mỹ đặt một câu slogan lên đầu trang là “The truth is worth it” (Sự thật là đáng giá). Còn tập đoàn truyền thông CNN thì khẳng định “Facts First” (Sự thật được đặt lên hàng đầu)...
Ngoài ra, các cơ quan báo chí thế giới hiện nay cũng rất coi trọng vấn đề bản quyền. Các nội dung gốc, tự sản xuất thường có giá trị cao. Sở dĩ mạng xã hội chiếm được rất nhiều người xem là do họ đã lấy lại rất nhiều tin tức từ các đơn vị báo chí để đưa lên nền tảng của mình (mà không xin phép cũng như không trả tiền bản quyền). Chính vì vậy, gần đây các nhà lập pháp của nhiều quốc gia đưa ra một điều luật, yêu cầu các mạng xã hội phải trả tiền bản quyền cho các nội dung mà họ lấy từ các nhà xuất bản, các đơn vị báo chí.
Về vấn đề doanh thu, một trong những thách thức của các đơn vị báo chí là phải hoạt động như một doanh nghiệp, phải tự chủ tài chính. Họ phải trăn trở với bài toán làm thế nào để có đủ kinh phí nhằm duy trì hoạt động cho tờ báo, đồng thời phải tạo ra các tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn, nhanh và chính xác để thu hút bạn đọc
Một gợi ý có thể là, báo chí cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để khai thác và tạo ra thông tin. Tờ New York Times là một ví dụ điển hình của hiệu quả hoạt động giữa báo chí và doanh nghiệp. Họ đã đưa vào các nội dung báo chí phục vụ cho các thương hiệu, đem lại nguồn thu mà mạng xã hội không mang lại được.
Khái niệm “content is king” (nội dung là vua) hoàn toàn không lạc điệu với báo chí chính thống. Nhà báo không chỉ là người đưa tin, mà phải là nhà quan sát và nhà bình luận. Nói cách khác, lợi thế của báo chí chính thống là đưa ra phân tích cùng giải pháp. Bạn đọc không chỉ cần biết cái đang xảy ra, mà còn cần biết cái sẽ xảy ra và nên xảy ra.
Có thể nói, tạo ra nội dung hữu ích nhưng phải đúng, phải thật, trên cơ sở hợp tác giữa hai bên và không dựa trên nền tảng Facebook, Google là giải pháp khả thi đối với các tòa báo vào thời điểm hiện tại. Không nên coi sự xuất hiện của mạng xã hội là một thách thức với báo chí chính thống mà cần phải sử dụng mạng xã hội như một cánh tay, một công cụ để truyền thông cho mình.
Trong tương lai, báo chí đa nền tảng (multi platform journalism) là xu hướng báo chí giúp công chúng có thể tiếp cận thông tin trên nhiều các nền tảng khác nhau: máy tính, thiết bị di động, báo trực tuyến và đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo... Đa nền tảng là xu thế buộc báo chí phải “biến đổi” để công chúng có thể tiếp cận thông tin bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào họ muốn, trên bất cứ nền tảng nào mà họ có.
Trong khi mạng xã hội là nơi phát tán thông tin chưa qua kiểm định, thì truyền thông chính thống phải có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin chuẩn xác tới công chúng. Báo chí phải tìm cách hợp tác với mạng xã hội trong khi vẫn thực hiện chức năng giám sát của mình, đồng thời chịu trách nhiệm xác thực thông tin./.
Tường Bách (theo VNEconomy)