Trả lời: Nhận thức về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những thành tựu to lớn về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng được khát vọng của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam.
Trong nhiều bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt và khẳng định, mọi thắng lợi của đường lối đổi mới, trong đó có đường lối về xây dựng nền dân chủ XHCN và phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân là do có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”; “…thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”.
Với “vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ”, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Đó là phát huy vai trò tích cực, tự giác, sáng tạo của nhân dân, “đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ để xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu đòi hỏi phải có “…một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”, “hướng tới các giá trị tiến bộ nhân văn, dựa trên lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Theo Tổng Bí thư, đây là “mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích”, là một trong “mười mối quan hệ lớn” cần được tăng cường nắm vững và giải quyết hiện nay.
Xây dựng nền dân chủ XHCN, theo ý kiến của đồng chí Tổng Bí Thư, cần phải nhận thức là quá trình lâu dài của cách mạng Việt Nam. Như chúng ta đều biết, dân chủ là khát vọng hàng ngàn năm của tuyệt đại đa số nhân dân lao động, là thước đo quan trọng về trình độ giải phóng con người. Tuy nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung, nền dân chủ XHCN nói riêng là thực tiễn chưa có tiền lệ. Hơn nữa, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, những tiền đề, điều kiện về dân chủ hết sức hạn chế. Do vậy, trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, sẽ rất khó khăn và cần một thời gian không ngắn và cần phải khắc phục một số tâm lý, nhận thức giản đơn, phiến diện như sau:
Trước hết, cần khắc phục các biểu hiện chủ quan duy ý chí nóng vội, cũng như tâm lý chán nản, dễ chấp nhận khiến cho quá trình dân chủ hóa trì trệ, bất cập với yêu cầu đổi mới.
Hai là, trong quá trình thúc đẩy thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, cần tránh các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, dân chủ kiểu phương Tây, lợi dụng dân chủ - nhân quyền để gây mất ổn định, thực hiện cách mạng “sắc màu” hòng thay đổi chế độ XHCN.
Ba là, đặc biệt không được phiến diện trong nhận thức về mối quan hệ giữa “đa đảng”, “đa nguyên” với mức độ cao, thấp của dân chủ; khắc phục sự mơ hồ về thực chất và hình thức biểu hiện của nền dân chủ tư sản. Càng sai lầm nghiêm trọng hơn đối với những ai đang đồng nhất giữa dân chủ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa đầy đủ như đã mắc phải thời kỳ trước đổi mới.
Năm là, cần phải khắc phục tính biệt lập trong xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy khác biệt về bản chất chính trị với dân chủ tư sản, nhưng điều đó không ngăn trở việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các thành quả của nhân loại trong xây dựng nền dân chủ của Việt Nam.
Xây dựng chế độ dân chủ phải được coi là sự nghiệp cách mạng lâu dài, nhưng được coi là nhiệm vụ trọng yếu như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư, bởi dân chủ XHCN là một trong những “giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang định, kiên trì theo đuổi”./.
DTT