Chưa khi nào văn hóa ứng xử trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Chứng kiến một học sinh bị đánh đập, bắt quỳ, lăng mạ nhưng không một ai can ngăn; đáng buồn hơn một số em còn quay clip rồi tung lên facebook. Mạng xã hội dần biến thành con dao 2 lưỡi, sự xâm phạm đời tư, những trò đùa ác ý, bôi xấu, “ném đá” tập thể trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn cho thấy sự đáng sợ của những luận điệu được đưa ra một cách vô cảm.
Đầu năm 2019, cái tên Ngô Bá Khá – tức Khá Bảnh bỗng chốc nổi lên như một hiện tượng đình đám trên mạng xã hội với các clip ăn chơi nhảy múa, lắc lư trong bar, chửi thề, dạy dỗ đàn em, đòi nợ thuê, ngông cuồng hơn là đốt xe máy, dàn hàng ngang trên cao tốc. Sở hữu kênh youtube gần 2 triệu lượt người theo dõi, các video của Khá Bảnh liên tục lọt top thịnh hành của Youtube Việt Nam, nhận nút bạc, nút vàng và kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng. Học chưa hết cấp 2, sớm thành thạo ăn chơi và thích được nổi danh – công thức ấy đã tạo ra Khá Bảnh. Một “đại ca giang hồ” nghiện ngập, cờ bạc, từng tù tội, xăm trổ đầy mình, hình ảnh lập dị lại trở thành thần tượng của giới trẻ.
Nổi tiếng qua mạng, ngoài đời thực Khá Bảnh cũng được tung hô, chào đón như một ngôi sao. Trên mạng có nhiều clip hàng trăm em học sinh bắt gặp đã hò reo mừng rỡ, xin chụp ảnh với Khá rồi đăng tải tràn lan trên mạng, tự hào như một “chiến tích”.
Việc tung hô “anh hùng mạng” Khá Bảnh đang làm méo mó trong suy nghĩ, quan niệm của người trẻ về “thần tượng”, không còn coi trọng chân giá trị, mà tôn sùng một kẻ vô văn hóa, đi ngược lại với đạo đức, lối sống lành mạnh của xã hội. Nhiều đứa trẻ nông thôn đang bắt chước, a dua theo Khá Bảnh mặc sự ngăn cản của bố mẹ. Thậm chí ngay cả khi đã vào tù thì Khá Bảnh vẫn trở thành “ngôi sao” trong lòng một bộ phận người trẻ. Và tương lai đất nước sẽ ra sao khi lớp trẻ coi những người như Khá Bảnh là anh hùng ?
Thời gian qua, hàng triệu người dùng mạng xã hội đã và đang bị “bội thực” trước những thông tin, hình ảnh, clip phản cảm, lệch chuẩn đạo đức. Hàng loạt cái tên như Trần Đình Sang, thánh chửi Dương Minh Tuyền, Ngân Trọc, Phú Lê… đã làm mưa làm gió với những lời lẽ thô tục, phản động, gây rối an ninh trật tự được đăng tải tràn lan.
Mới đây, 4 người đàn ông trung niên đã khỏa thân tại một địa danh du lịch nổi tiếng mang tính biểu tượng “Mã Pì Lèng” tỉnh Hà Giang. Không chút ngượng ngùng, xấu hổ, những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể cần được che đậy, thì nay lại được phô ra một cách trần trụi với danh nghĩa “bảo vệ môi trường”. Cách “khoe” mình cũng đặc biệt không kém – đó là livestream trên facebook – một trang mạng có trên 50 triệu người Việt sử dụng.
Không chỉ người đăng tải thông tin mà ngay cả những người tiếp nhận thông tin cũng có những ứng xử chưa đúng mực. Cộng đồng mạng đã có những lời lẽ kích động trên mạng xã hội facebook, khiến người cha trong clip đánh con ở Tiền Giang cách đây 2 năm bị một nhóm người tự xưng là “bảo vệ công lý bà mẹ và trẻ em” tìm đến nhà trọ đánh trọng thương.
Những phiên tòa được mở ra, nhiều chủ tài khoản phải trả giá cho hành động ngông cuồng, thiếu ý thức của mình. Một số bản án đã được thực thi, một vài tài khoản đã bị xử phạt cũng chưa thấm vào đâu, chưa đủ sức răn đe. Vẫn liên tục xuất hiện các clip chửi thề, bạo lực, đánh ghen phản cảm, thiếu văn hóa làm ảnh hưởng, tổn thương đến nhiều cá nhân và tổ chức với sự tiếp tay từ những cú like, share, comment vô thức của cộng đồng.
Để mạng xã hội không trở thành thứ công cụ làm đảo lộn các giá trị đạo đức, cổ súy cho những hành động vô văn hóa và phản cảm thì việc có một bộ quy tắc về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên hết sức bức thiết. Cùng với đó cần phải có những hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn trẻ em tiếp cận nội dung không lành mạnh trên mạng. Quan trọng hơn cả mỗi người hãy “tăng sức đề kháng” “tạo bộ lọc tốt” cho mình khi sử dụng và tiếp cận thông tin trên mạng xã hội./.
Y.B