Thương hiệu (tradebrand) hay nhãn hiệu (trademark) là một tài sản trí tuệ vô hình có giá trị rất lớn của các doanh nghiệp sở hữu nó, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và phát triển thị trường của một doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, uy tín của thương hiệu hiệu ngày càng được tích lũy, khiến giá trị của nó ngày càng gia tăng.
Khi nhắc đến những thương hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng sẽ biết rõ những nhãn hiệu này được dùng cho sản phẩm gì. Đôi khi, nhãn hiệu nổi tiếng còn tạo ra thương hiệu cho mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Vì vậy, việc bảo hộ thương hiệu đang là một vấn đề cần quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng với thế giới.
Thương hiệu gạo ST25. Ảnh: Internet
Thời gian qua, ngày càng nhiều thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký chiếm giữ quyền bảo hộ độc quyền, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước vụ việc của gạo ST25, có thể kể đến câu chuyện của nhãn hiệu “kẹo dừa Bến Tre”, thương hiệu Đức Thành - Vinamit của Vinamit, thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” tại tại Trung Quốc, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc... Chẳng mấy ai có thể nghĩ rằng phương pháp sản xuất chả giò rế của người Việt Nam lại bị người Nhật đăng ký bảo hộ độc quyền, mỳ ăn liền lại do người Nga bảo hộ, ngay cả Ngân hàng Công thương cũng phải đổi thương hiệu thành Vietinbank (tên cũ là Incombank) khi bị trùng với thương hiệu của một ngân hàng tại Nga...
Thực trạng trên cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa có nhận thức cao về bảo hộ thương hiệu mà chỉ lo đầu tư sản xuất nhằm đem lại chất lượng tốt cho sản phẩm. Đến khi mở rộng thị trường thì doanh nghiệp mới quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài; nhưng lúc này các đối thủ cạnh tranh của họ đã đăng kí chính nhãn hiệu của họ ở thị trường nước ngoài. Để đòi lại quyền lợi, doanh nghiệp chỉ còn cách chứng minh nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng và đã có sự vi phạm nhãn hiệu. Nhưng điều này mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc khởi kiện bên vi phạm.
Thủ tục để được cấp văn bằng bảo hộ quốc tế khá phức tạp. Ảnh: Internet
Có thể thấy nhãn hiệu Việt Nam thường bị đánh cắp bởi các đối tác hay những người có hiểu biết rất rõ tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Các vụ chiếm đoạt nhãn hiệu nêu trên nhằm mục đích ép doanh nghiệp Việt - chủ của nhãn hiệu, phải mua lại bản quyền nhãn hiệu của chính mình với giá "cắt cổ". Nếu không, doanh nghiệp sẽ không được xuất khẩu sản phẩm đó sang những thị trường đã bị chiếm đoạt nhãn hiệu.
Câu chuyện nhãn hiệu Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài không còn là câu chuyện riêng đối với một doanh nghiệp cụ thể mà còn cần được nhìn nhận dưới góc độ thương hiệu của một vùng nguyên liệu, thậm chí là của quốc gia, như cà phê Buôn Ma Thuột, vải thiều Lục Ngạn, Bưởi Năm Roi, tỏi Lý Sơn...
Do nguồn lực có hạn, Chương trình thương hiệu quốc gia, xúc tiến chỉ có thể hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào nên không thể có hỗ trợ trực tiếp; Chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.
Tuy nhiên, không thể để doanh nghiệp "tự bơi" trong cuộc chiến này mà rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành, sự hỗ trợ đắc lực từ các cơ quan quản lý, hiệp hội và cộng đồng về thông tin, các công cụ pháp lý đúng luật chơi thị trường mà Việt Nam đã cam kết trong WTO, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trợ giúp pháp lý khi doanh nghiệp rơi vào cuộc chiến pháp lý ở thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nên nâng cao khả năng tự bảo vệ thương hiệu của mình ở nước ngoài thông qua việc đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid (theo thỏa ước và Nghị định thư) hoặc đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia mà doanh nghiệp muốn nhãn hiệu được bảo hộ. Cần sớm quan tâm đến việc bảo vệ nhãn hiệu ở các thị trường tiềm năng mà trong tương lai doanh nghiệp có khả năng đặt chân đến. Nếu để khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã là quá muộn./.
Quang Minh